HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Cáp điện ngầm sâu nhất thế giới: Nằm ở độ sâu 2.150m dưới đáy biển, làm bằng vật liệu siêu nhẹ nhưng siêu bền

Thiên Kim

Mục tiêu của dự án là nâng cao năng lực trao đổi điện, thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo và cải thiện độ tin cậy của lưới điện ở khu vực Địa Trung Hải.

Interesting Engineering đưa tin, công ty sản xuất cáp và cung cấp dịch vụ lắp đặt Prysmian (Italy) đã hoàn thành việc lắp đặt cáp ngầm dưới biển ở độ sâu 2.150m, thiết lập kỷ lục mới trong lĩnh vực này.

Công ty thông báo họ cũng đã hoàn thành thành công việc thử nghiệm trên biển đối với cáp điện áp cao một chiều bọc phi kim loại (HVDC MI) 500kV.

Họ tuyên bố: “Đây là lần đầu tiên cáp HVDC được đặt ở độ sâu như vậy, đánh dấu kỷ lục lắp đặt trong ngành và thiết lập tiêu chuẩn mới trên thị trường”.

Cáp điện ngầm sâu nhất thế giới: Nằm ở độ sâu 2.150m dưới đáy biển, làm bằng vật liệu siêu nhẹ nhưng siêu bền - ảnh 1Công ty Prysmian của Italy đã hoàn thành lắp đặt cáp dưới biển ở độ sâu 2.150m. Ảnh: Getty Images 

 

Việc lắp đặt này là một phần trong dự án hành lang điện mới ở trung tâm Địa Trung Hải, dự kiến dài 970km và có công suất 1.000 MW. Dự án mang tên Tyrrhenian Link sẽ kết nối Sicily với Sardinia và bán đảo Italy thông qua một tuyến cáp đôi dưới biển.

Tiến bộ trong lắp đặt cáp biển sâu

Theo Interesting Engineering, cáp bọc phi kim loại được chế tạo bằng vật liệu composite dựa trên sợi tổng hợp mô-đun đàn hồi cao (HMPE). Đây được coi là công nghệ cáp truyền điện thế hệ mới.

HMPE là loại sợi có độ giãn thấp và tỷ lệ độ bền so với trọng lượng cao, cùng với đó là khả năng chống mài mòn.

Các tuyến cáp ngầm của dự án sẽ được lắp đặt và bảo trì ở độ sâu hơn 2.000m, độ sâu nhất mà cáp điện từng đạt được.

Việc đặt cáp ở độ sâu như vậy được thực hiện nhờ giải pháp bọc tiên tiến, nhẹ hơn 50% so với thép trong nước. 

Công ty cho hay, nhiều bài kiểm tra trong phòng thí nghiệm đã góp phần vào thành công của các cuộc thử nghiệm trên biển, củng cố độ tin cậy của công nghệ Prysmian.

Trước đó, Prysmian cũng từng sử dụng công nghệ bọc siêu nhẹ cho đường dây kết nối Evia – Andros-Tinos ở độ sâu 550m vào năm 2019.

Cáp điện ngầm sâu nhất thế giới: Nằm ở độ sâu 2.150m dưới đáy biển, làm bằng vật liệu siêu nhẹ nhưng siêu bền - ảnh 2Tàu đặt cáp Leonardo da Vinci của Prysmian giúp xử lý công việc dễ dàng hơn. Ảnh: Getty images 

Tăng cường năng lực tái tạo

Tại Italy, sản lượng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo như mặt trời và gió đang gia tăng đáng kể và liên tục được phát triển ở các vùng Sicily, Sardinia và đặc biệt là Campania.

Trong đó, dự án Tyrrhenian Link trị giá 1,7 tỷ euro được thiết kế để nâng cao khả năng trao đổi điện, thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo và cải thiện độ tin cậy của lưới điện.

Dự án bao gồm 2 phần chính. Đoạn phía Đông trải dài 490km, nối điểm cập bến Fiumetorto ở thành phố Termini Imerese (Sicily, Italy) với Torre Tuscia Magazzeno gần thành phố Battipaglia, Campania.

Trong khi đó, phần phía Tây dài khoảng 480km sẽ nối Fiumetorto với Terra Mala ở Sardinia.

Ngoài ra, Prysmian dự định mở rộng trung tâm năng lượng ở Địa Trung Hải thông qua việc thiết kế, cung cấp và lắp đặt hơn 1.500km cáp ngầm để tăng cường trao đổi điện giữa Sardinia, Sicily và Campania.

Theo Interesting Engineering