BRICS cùng đồng nhân dân tệ Trung Quốc ‘tung đòn’ liên tiếp nhằm phi USD hóa bằng mọi cách, nước Mỹ đối diện nguy cơ?
(Thị trường tài chính) - Chỉ số theo dõi mức độ thống trị của đồng USD của Hội đồng Đại Tây Dương cho thấy tỷ trọng của đồng USD trong dự trữ toàn cầu đứng ở mức 58% vào năm 2024. Con số này giảm 14 điểm phần trăm so với năm 2002.
Nhiều năm qua, sự suy giảm của đồng USD trong vai trò đồng tiền dự trữ của thế giới là một vấn đề được thị trường quan tâm, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-2008.
Mặc dù đồng USD vẫn nắm giữ thế thống trị nhưng quả thực, thế giới đang sử dụng đồng USD ít hơn nhiều so với những năm đầu thế kỷ này, theo dữ liệu từ Hội đồng Đại Tây Dương.
Cụ thể, chỉ số theo dõi mức độ thống trị của đồng USD của Hội đồng Đại Tây Dương cho thấy tỷ trọng của đồng USD trong dự trữ toàn cầu đứng ở mức 58% vào năm 2024. Con số này giảm 14 điểm phần trăm so với năm 2002.
Trong những năm gần đây, đặc biệt sau cuộc xung đột Nga-Ukraine và Nhóm G7 tăng cường áp dụng các biện pháp trừng phạt, một số quốc gia đã có ý định đa dạng hóa khỏi đồng USD.
Kế hoạch phi USD đã trở nên “nóng hơn”, được thúc đẩy bởi BRICS, nhóm gồm các quốc gia Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
Trong 2 năm qua, liên minh này đã thúc đẩy việc sử dụng các đồng tiền địa phương trong thương mại và giao dịch. Báo cáo cũng chỉ ra rằng, Trung Quốc đang mở rộng hệ thống thanh toán thay thế của mình cho các đối tác thương mại và tìm cách tăng cường sử dụng đồng nhân dân tệ trên toàn cầu.
Đáng chú ý, BRICS cũng đang lên kế hoạch phát triển một loại tiền tệ tương tự như tiền số, được phát hành và hậu thuẫn bởi các Ngân hàng Trung ương - CBDC (Central Bank Digital Currency); đồng thời tập trung thiết lập nền tảng thanh toán kỹ thuật số chung đa phương BRICS Bridge với mong muốn thay thế SWIFT.
Các chuyên gia nghiên cứu của Hội đồng Đại Tây Dương xác định BRICS là một thách thức tiềm năng đối với vị thế của đồng USD. Nguyên nhân là bởi nhóm này đang ngày càng chiếm tỷ trọng lớn hơn trong GDP toàn cầu. Đặc biệt, mỗi quốc gia thành viên của liên minh đều có vẻ muốn giao dịch nhiều hơn bằng tiền tệ địa phương. Hiện tại, đồng nhân dân tệ đang có tiềm năng cạnh tranh cao nhất với đồng USD với vai trò là đồng tiền thương mại và dự trữ.
Điều cần chú ý, cơ sở hạ tầng tài chính thay thế mà Trung Quốc đang xây dựng - “các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ của Trung Quốc với các nước BRICS và các thành viên trong Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới của Trung Quốc (CIPS) - đang ngày càng mạnh mẽ.
Từ tháng 6/2023-5/2024, “CIPS đã bổ sung thêm 62 thành viên trực tiếp; hiện gồm 142 thành viên trực tiếp và 1.394 thành viên gián tiếp”, các chuyên gia cho hay.
Dù SWIFT vẫn đang dẫn đầu, với hơn 11.000 ngân hàng được kết nối nhưng các thành viên CIPS trực tiếp có thể thực hiện các giao dịch mà không cần dựa vào SWIFT hay đồng USD. Điều này có nghĩa là các chỉ số truyền thống về mức độ sử dụng đồng nhân dân tệ có thể đang đánh giá thấp giá trị thực tế của đồng tiền Trung Quốc.
Mặc dù vậy, trong ngắn hạn và trung hạn, đồng USD vẫn là đồng tiền dự trữ toàn cầu chính. Bởi dù đồng nhân dân tệ được cho là “vật cản” lớn nhất đối với vị thế của đồng USD thì Trung Quốc cũng đang đối diện với nhiều khó khăn như cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản - làm đồng nhân dân tệ mất đi một phần vị thế so với đồng USD trong dự trữ ngoại tệ.