31 tỷ USD, 11 lò phản ứng mới: Trung Quốc tham vọng vượt Pháp - Mỹ để trở thành cường quốc năng lượng hạt nhân
(Thị trường tài chính) - Động thái này cho thấy sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Trung Quốc trong việc chuyển đổi sang năng lượng sạch và giảm thiểu khí thải nhà kính.
Trung Quốc đã phê duyệt 11 lò phản ứng hạt nhân tại 5 địa điểm ở nước này vào ngày 19/8, khi Chính phủ ngày càng dựa nhiều hơn vào năng lượng nguyên tử để hỗ trợ mục tiêu cắt giảm khí thải.
Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã bật đèn xanh cho các lò phản ứng mới tại các địa điểm trải rộng khắp Giang Tô, Sơn Đông, Quảng Đông, Chiết Giang và Quảng Tây, theo China Energy News.
Tổng vốn đầu tư cho tất cả 11 đơn vị ước tính sẽ rơi vào khoảng ít nhất 220 tỷ NDT (31 tỷ USD) với thời gian xây dựng mất khoảng 5 năm.
China Energy News cho hay, Trung Quốc có nhiều lò phản ứng hạt nhân đang được xây dựng hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới và đã phê duyệt 20 lò phản ứng mới trong 2 năm qua.
Quốc gia này dự kiến sẽ vượt qua Pháp và Mỹ để trở thành nhà sản xuất điện hạt nhân hàng đầu thế giới vào năm 2030.
CGN Power, đơn vị niêm yết của Tập đoàn Điện hạt nhân Quảng Đông Trung Quốc thuộc sở hữu Nhà nước, cho biết họ đã nhận được sự chấp thuận cho 6 lò phản ứng tại 3 địa điểm.
Trong khi đó, Tập đoàn Điện hạt nhân Quốc gia Trung Quốc có 3 lò phản ứng được chấp thuận, còn Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Trung Quốc tiết lộ họ đã nhận được phê duyệt cho 2 đơn vị.
Hiệp hội Năng lượng Hạt nhân Trung Quốc cho hay, quốc gia này hiện có 56 lò phản ứng đang hoạt động, với tổng công suất tương đương khoảng 5% tổng nhu cầu điện. Công ty chứng khoáng Citic Securities cho rằng Bắc Kinh có khả năng phê duyệt thêm khoảng 10 lò phản ứng mới mỗi năm trong vòng 3-5 năm tới.
Các dự án mới bao gồm một lò phản ứng khí làm mát nhiệt độ cao tại nhà máy Xuwei ở Giang Tô, do CNNC vận hành. Thiết kế này được gọi là lò phản ứng thế hệ thứ 4, cung cấp cả nhiệt và điện với nhiều tính năng an toàn tiên tiến hơn.
Theo China Energy News