ACB: Chủ tịch “vạn người mê” chọn đường riêng cho chiến lược ngân hàng năm 2024

Lệ Giang

(Thị trường tài chính) - Tại phiên họp ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch Ngân hàng TMCP Á Châu (HoSE: ACB) Trần Hùng Huy cho biết, ACB sẽ chuyển đổi chiến lược sang phát triển khách hàng doanh nghiệp thay vì chỉ tập trung mảng bán lẻ.

Ngân hàng TMCP Á Châu (HoSE: ACB) vừa tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024. Tại phiên họp này, đại diện lãnh đạo ACB cho biết, kinh tế vĩ mô của Việt Nam ổn định, tình trạng lạm phát được kiểm soát và những cân đối lớn được đảm bảo.

Nhiều năm qua, ACB chủ yếu dựa vào tăng trưởng mảng bán lẻ, chiếm gần 94%, mảng doanh nghiệp vừa và lớn chỉ khoảng 6%. Do đó, thời gian tới còn nhiều dư địa để phát triển mảng này.

ACB: Chủ tịch “vạn người mê” chọn đường riêng cho chiến lược ngân hàng năm 2024 - ảnh 1
Toàn cảnh ĐHĐCĐ thường niên 2024 của ACB ngày 4/4 (Ảnh: ACB)

Kết quả quý 1/2024 khả quan, ACB tự tin hoàn thành mục tiêu

Đại diện ACB cho biết, trong năm 2023, ngân hàng này tiếp tục có sự tăng trưởng cả về quy mô và tài sản khi hoàn thành và vượt nhiều chỉ tiêu quan trọng. Trong đó, lợi nhuận trước thuế đạt 20.068 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2022, còn lợi nhuận sau thuế là hơn 13.300 tỷ đồng. Như vậy, với hơn 6.500 tỷ đồng lợi nhuận để lại từ những năm trước, tổng cộng lợi nhuận của ACB hiện đang sở hữu khoảng 20.000 tỷ đồng.

Với nguồn lực này, ACB dự tính trích ra hơn 9.700 tỉ đồng để chia cổ tức cho cổ đông với tổng tỷ lệ 25%, trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt. Sau chia cổ tức, ACB vẫn còn hơn 10.000 tỉ đồng giữ lại. Dự kiến sau khi chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 15%, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng thêm hơn 5.800 tỉ đồng lên 44.666 tỉ đồng.

Sang đến năm 2024, ngân hàng này đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 22.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước. Tổng tài sản tăng 12% lên 805.050 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá tăng 11% lên 593.779 tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 14% lên 555.866 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.

ACB: Chủ tịch “vạn người mê” chọn đường riêng cho chiến lược ngân hàng năm 2024 - ảnh 2
Tổng giám đốc ACB Từ Tiến Phát thông tin tại ĐHĐCĐ

Thông tin về kết quả kinh doanh quý 1 của ngân hàng, Tổng giám đốc ACB Từ Tiến Phát đánh giá là “khá tốt”. Cụ thể, tín dụng tăng trưởng 3,7% so với cuối năm 2023, huy động tăng trưởng 2,1%, trong đó huy động vốn CASA tăng 6,4%, tỷ lệ CASA cải thiện từ 22% lên mức hơn 23%.

Lợi nhuận quý 1 cũng dự kiến đạt 4.900 tỉ đồng, sát với kế hoạch của cả năm. Mức lợi nhuận này được đánh giá là giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước khoảng 5% do ở năm trước có khoản thu bất thường từ xử lý nợ. Nếu loại trừ yếu tố bất thường này thì quý 1 năm nay tăng trưởng 3%.

“Dựa trên KQKD quý 1 như đã báo cáo cổ đông, ACB tự tin hoàn thành mục tiêu đã đề ra cho cả năm 2024”, Tổng giám đốc ACB khẳng định.

Chọn đường riêng trong chiến lược phát triển

Trả lời câu hỏi “Nghe nói gần đây ACB chuyển đổi chiến lược sang phát triển khách hàng doanh nghiệp. Đây là mảng mà phải cạnh tranh lớn trên thị trường, lợi thế của ACB là gì?”, ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT ACB cho biết, thị phần của ACB trong mảng bán lẻ khá cao, tuy nhiên lại bắt đầu chững lại. Ngoài ra, các ngân hàng khác cũng đang tập trung mảng này.

Do đó, ACB sẽ củng cố vị thế trong phân khúc khách hàng cá nhân. Song song đó, các khách hàng SME của ACB đang ngày càng lớn lên và ACB cũng theo sự phát triển của họ. Khách hàng doanh nghiệp lớn của SCB có nhiều lợi thế cạnh tranh, không chỉ ở lãi suất mà các sản phẩm, dịch vụ khác.

ACB: Chủ tịch “vạn người mê” chọn đường riêng cho chiến lược ngân hàng năm 2024 - ảnh 3
Chủ tịch HĐQT ACB Trần Hùng Huy trả lời chất vấn của cổ đông

Đồng thời, Chủ tịch HĐQT ngân hàng này cũng cho biết, ACB sẽ tập trung đẩy mạnh mảng ngân hàng số trong thời gian tới, với chi phí đầu tư công nghệ hàng năm của ngân hàng đến 1.000 tỷ đồng. Đặc biệt, ngân hàng này sẽ tập trung vào quản trị rủi ro.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc ACB có chiến lược M&A, ông Trần Hùng Huy cho biết, ACB cũng có tìm hiểu, song chưa có kế hoạch M&A. Theo đó, ACB cho rằng có cơ hội để M&A, nhưng qua nghiên cứu, ngân hàng này nhận thấy có thể tự phát triển mà không cần M&A. Đồng thời, ACB cũng không có kế hoạch mở rộng hoạt động ở nước ngoài.

Đối với Công ty chứng khoán trực thuộc ACB - ACBS, trong những năm trước, đã có đối tác mong muốn được đầu tư vào ACBS và ACB cũng đã tiến hành tìm hiểu, đàm phán. Tuy nhiên, qua một thời gian tìm hiểu, đặc biệt trải qua giai đoạn dịch Covid-19 đối tác cũng có khó khăn nhất định và ACB nhận thấy không phù hợp nên đã tự mình đẩy mạnh phát triển ACBS. Trong năm qua, ACBS đã tăng vốn điều lệ thêm 1.000 tỷ đồng, lên mức 4.000 tỷ đồng. Nguồn vốn góp đến từ chủ sở hữu là ngân hàng mẹ ACB.

Về mảng trái phiếu, ACB cho biết, không có đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. Trong mảng đầu tư trái phiếu, ACB đẩy mạnh đầu tư trái phiếu Chính phủ.