DN đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán Việt đặt mũi nhọn vào lĩnh vực nào trong năm 2024?
(Thị trường tài chính) - Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch HĐQT CTCP Cơ Điện Lạnh (HOSE: REE) Nguyễn Thị Mai Thanh khẳng định, REE sẽ không đầu tư nhiều vào điện mặt trời và xác định điện gió sẽ là lĩnh vực mũi nhọn trong thời gian tới của doanh nghiệp này.
Doanh nghiệp đầu tiên trên sàn chứng khoán Việt
Công ty Cổ phần Cơ Điện Lạnh (REE) là tập đoàn kinh doanh đa ngành được thành lập vào năm 1977. Sau khi chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty đại chúng bằng hình thức cổ phần hóa năm 1993, REE là công ty đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam vào năm 2000. REE được đánh giá là thành công với mô hình cổ phần hóa và niêm yết. Ngày nay, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều đã cổ phần hóa và phần lớn đều đạt được thành công.
Theo bà Mai Thanh, bên cạnh vốn vay ngân hàng thì kênh huy động vốn qua phát hành cổ phiếu trên TTCK và phát hành trái phiếu doanh nghiệp là hai kênh vô cùng quan trọng và hữu ích cho doanh nghiệp phục vụ cho phát triển công ty trong trung và dài hạn. Đây cũng là lý do chính REE xung phong niêm yết đầu tiên.
“TTCK không chỉ là nơi "tôi luyện" cho các công ty niêm yết để làm ăn đàng hoàng hơn, minh bạch, có trách nhiệm và nghĩa vụ với các bên liên quan như nhà đầu tư, nhà tài trợ, khách hàng, nhân viên và cả nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Nó còn gián tiếp đào tạo những nhà quản lý chuyên nghiệp, cần mẫn và trung thực, qua đó họ có thể vươn lên để giữ cho giá trị cổ phần không ngừng được gia tăng”, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Cơ Điện Lạnh nhấn mạnh.
Báo cáo thường niên năm 2023 của REE cho thấy, doanh nghiệp này đang chú trọng phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn. “Tại REE bền vững không chỉ là hoạt động đơn thuần mà còn là nền tảng xây dựng tương lai”, báo cáo nêu rõ. Đơn cử, với mảng năng lượng, REE tiếp tục chuyển đổi sang xanh hơn, giảm thiểu dấu chân carbon từ nhiệt điện than và tăng đầu tư vào điện gió, điện mặt trời. REE cũng tìm kiếm những giải pháp sáng tạo để mở rộng danh mục năng lượng tái tạo.
Tập trung phát triển điện gió
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch HĐQT CTCP Cơ Điện Lạnh cho biết, chủ trương hiện tại của Nhà nước với điện mặt trời là tự sản tự tiêu, phụ thuộc hoàn toàn vào người tiêu thụ điện. “Các dự án đầu tư từ 2021 - 2022 đến giờ vẫn hòa vốn (2 năm đầu là lỗ). Một số dự án vẫn ổn, nhưng bình quân năm nay chỉ có thể hòa vốn. Nhìn chung cho thấy nhà máy không có đơn hàng, công suất tiêu thụ điện cũng giảm xuống, hệ thống không hoạt động. Có 4,000 - 5,000 mWp không hoạt động, dù gần đây bắt đầu có đơn. Điện mặt trời mới hiện chưa có chủ trương, nên nhiều dự án không thể lên lưới, mà không lên thì không thể bán", bà Mai Thanh thông tin.
Nói thêm về các trang trại điện mặt trời (solar farm) cho thấy, từ nay đến 2030 cũng không có kế hoạch. Để xây dựng thì không, mà mua lại thì chào giá cao trong khi tỷ lệ thu về rất thấp, không đạt kỳ vọng đầu tư. Ngoài ra, bà Mai Thanh cũng cho biết, mảng điện mặt trời chỉ còn các dự án trên hồ thủy điện (solar floating) và REE sẽ tập trung vào đó. Tuy nhiên, để thuyết phục Chính phủ cho đầu tư vào mảng này cũng còn nhiều khó khan.
Riêng đối với điện gió, bà Thanh xác định đây là mũi nhọn trong vấn đề chuyển đổi năng lượng của Việt Nam, nên REE dứt khoát tìm kiếm dự án hợp tác. "Phải củng cố, xác định thế mạnh của REE để mời gọi đối tác nước ngoài có thế mạnh công nghệ, kinh nghiệm về dự án, có khả năng huy động tài chính với chi phí rẻ. REE có lợi thế về quản trị doanh nghiệp, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đang tìm kiếm đối tác tại Việt Nam. Thứ 2 là hình ảnh, uy tín công ty trên thị trường – là các yếu tố quan trọng”, Chủ tịch HĐQT CTCP Cơ Điện Lạnh nhấn mạnh.
Đối với thủy điện, người đứng đầu REE nêu ra 3 vấn đề. Thứ nhất, năm nay là cao điểm El Nino, nên các nhà máy thủy điện sản lượng thấp. Thứ 2, dòng tiền của EVN vẫn không tốt nên sẽ tìm cách bù đắp, trong đó có việc tìm cách giảm room tham gia thị trường điện của thủy điện bằng việc nâng hệ số alpha. Thêm nữa, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia thay vì giao sản lượng hàng năm cho các nhà máy, thì bây giờ giao theo tháng. Sản lượng giao cho các nhà máy lại không phù hợp với tình hình thực tế về lượng nước. Ngoài ra, dù giao cao, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia vẫn không huy động, vì có giai đoạn ưu tiên cho các nhà máy trượt COD vì giá sẽ rẻ hơn. Giai đoạn khác, họ ưu tiên huy động điện mặt trời, để giữ nước cho các quý mùa khô (quý 2). “Đây là điều khá nghịch lý, vì giao sản lượng cao mà muốn giữ nước, không huy động”, bà Thanh Mai thẳng thắn.