Tâm tư người từng làm điện:
Điện-Góc nhìn người trong cuộc (1)
(Thị trường tài chính) -Những người làm điện vẫn nặng trĩu trong lòng về những gay gắt của dư luận trên báo chí, mạng xã hội. Ông Đào Văn Hưng, nguyên là Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực, nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Điện lực đã có những tâm sự, chia sẻ. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.
EVN CÓ ĐỘC QUYỀN VỀ ĐIỆN?
Sau Giải phóng miền Nam, 48 năm đến nay Nhà nước luôn khuyến khích tất cả các thành phần kinh tế và nước ngoài tham gia đầu tư. Các Nhà đầu tư ( NDT) nước ngoài đã vào rất sớm tìm hiểu khảo sát, tính toán thời gian thu hồi vốn, lợi nhuận, rủi ro … cuối cùng cũng chỉ có 8 nhà máy BOT có tổng công suất chiếm khoảng 9,7 % công suất hệ thống.
Nhà máy BOT vận hành sớm nhất là Phú Mỹ 2.2, có công suất 715 MW, sản xuất điện bằng công nghệ tua-bin khí chu trình hỗn hợp (TBKHH) với tổng mức đầu tư khoảng 400 triệu USD phát điện ngày 1/3/2004. Quá trình đàm phán với NĐT BOT phải rất trường kỳ ,thường trên 10 năm mới xong hợp đồng BOT vì họ đưa ra các điều kiện bất khả kháng trong đó có thiên tai, địch họa,quyền chuyển đổi ngoại tệ, rủi ro về chính trị và lợi nhuận trên 15 %, phía Việt Nam khó đáp ứng.
Đối với các nhà đầu tư trong nước, mạnh nhất phải kể đến Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), tính đến nay có 426 nhà máy điện. Trong đó, EVN có 20 nhà máy NM, các Tổng công ty phát điện GENCO 1,2 & 3 có 37 nhà máy, và 369 nhà máy còn lại thuộc do các công ty ngoài EVN đầu tư. Các loại hình nhiệt điện, thủy điện, điện mặt trời, điện gió, đều có mặt của tất cả các thành phần kinh tế trong nước và người nước ngoài. Hiện nay, EVN chỉ chiếm 38,5% tổng công suất, các đơn vị ngoài chiếm 61,5%, với tỷ lệ này thì khó mà độc quyền được.
EVN có 3 Tổng công ty phát điện (GENCO) thì GENCO 2 và 3 đã cổ phần hóa, GENCO2 chỉ bán ra được 0,13% cổ phần, GENCO3 bán ra được 0,87% cổ phần. GENCO 1 đang quá trình lập hồ sơ CPH, nhưng cổ đông bên ngoài mua rất ít. Có nhiều lý do nhưng chủ yếu vốn quá lớn, giá đầu ra thấp, nguy cơ lỗ.
Gần đây, Chính phủ có cho đầu tư năng lượng tái tạo (NLTT) vời giá 9,35 cent/ kwh, thu hút được nhiều NĐT tăng thêm 20.000 MW. Phải nói đây là đợt đầu tư nhanh, số lượng lớn công suất, huy động được nguồn lực trong xã hội nhiều, cũng chính nhờ đó mà đáp ứng được yêu cầu của người dùng điện phía Nam. Là người trong cuộc, tôi có thể khẳng định khâu phát điện gần 50 năm Chính phủ luôn luôn muốn có nhiều NĐT tham gia xây dựng để đủ điện cho dân dùng.
VÌ SAO CHẬM CỔ PHẦN HÓA?
Năm 2005, EVN đã thực hiện thí điểm CPH Công ty Điện lực Khánh Hòa. Tiếp đó, EVN đề xuất CPH tất cả các công ty điện lực tỉnh nhưng cấp trên cho rằng vùng nông thôn chịu nhiều gian khổ trong chiến tranh, không có điện là thiệt thòi cho dân. Vùng nông thôn cả nước mới có điện 50-70%, cần phải điện khí hóa, nếu CPH thì vì lợi nhuận các cổ đông sẽ không đồng ý bỏ vốn đầu tư điện nông thôn.
Nay EVN khi đã đưa điện về 100% số xã và 99,58% số hộ nông thôn cơ bản điện khí xong nông thôn, rất thuận lợi cho việc CPH. Truyền tải điện như động mạch chủ trong cơ thể người, để đảm bảo an ninh năng lượng nhiều quốc gia do Nhà nước nắm giữ, nhưng gần đây cũng có 1 số quốc gia đã CPH lưới truyền tải.
Gần đây, Chính phủ đã cho phép Tập đoàn Trung Nam và 3 đơn vị khác xây dựng lưới truyền tải siêu cao áp đường dây và trạm 500kv. Ngoài ra, các khách hàng cũng tự xây dựng rất nhiều đường dây và trạm 110 kv và 220 kv, đấu nối vào lưới điện quốc gia. Về góc độ kinh tế chắc chắn ngành điện không muốn và không độc quyền cả 3 khâu phát điện-truyền tải điện và phân phối điện.
(còn nữa)