Rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về Kiểm toán Nhà nước
(Thị trường tài chính) - Luật Kiểm toán Nhà nước (KTNN) năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2019 được ban hành nhằm cụ thể hóa quy định KTNN trong Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, tính thống nhất còn chưa được đảm bảo, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán.
Nâng cao hiệu quả, hiệu lực của Kiểm toán Nhà nước
Thông qua việc nghiên cứu sâu về các luật như: Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công-tư, Luật Quản lý thuế, Luật NSNN, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Thanh tra, Luật Phòng, chống tham nhũng... đã có nhiều ý kiến đề xuất nhằm bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ giữa Luật KTNN và các luật chuyên ngành.
Theo lãnh đạo Vụ Pháp chế KTNN, KTNN cần tiếp tục rà soát và hoàn thiện Luật KTNN theo hướng bảo đảm bao quát nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát mọi nguồn lực tài sản công; bổ sung thẩm quyền của kiểm toán viên áp dụng các biện pháp ngăn chặn việc tẩu tán tài sản khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm tham nhũng.
Đồng thời, xây dựng và hoàn thiện các văn bản để cụ thể hóa Luật KTNN, phối hợp với các cơ quan có liên quan hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật KTNN như: Xây dựng Thông tư liên tịch trong việc trao đổi, cung cấp thông tin trong phòng, chống tham nhũng; Thông tư liên tịch trong việc chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra đối với các vụ việc phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán và phối hợp khi tham gia tố tụng.
Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định về chế tài đối với các đơn vị, tổ chức, cá nhân không thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ theo quy định của Luật KTNN, nhất là thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán.
Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, để nâng cao hiệu quả, hiệu lực của KTNN, vấn đề quan trọng nhất là cơ sở pháp lý cho vị trí, vai trò và tổ chức hoạt động của KTNN. Tiếp đó, KTNN và các các cơ quan liên quan phải giải quyết được vấn đề chồng chéo, trùng lặp, phân công chưa thật rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ, công việc được giao.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của KTNN, trước hết phải nâng cao vị thế độc lập của KTNN. KTNN cần phải được hoạt động một cách độc lập và không bị ảnh hưởng hoặc can thiệp của bất kỳ một cơ quan nào khác. Điều này giúp bảo đảm sự trung thực, khách quan, công khai, minh bạch trong quá trình kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán Nhà nước
Năm 2023, KTNN đã quyết liệt thực hiện xử lý các kết luận, kiến nghị kiểm toán và đã đạt được những kết quả đáng kể.
Tính đến 15/12/2023, số thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2022 về xử lý tài chính là 57.060,7 trên tổng số 71.608,4 tỷ đồng, đạt 79,76% (cùng kỳ năm trước đạt 70,61%); các cơ quan đã sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 33 văn bản thay thế các văn bản không phù hợp (cùng kỳ năm 2022 là 25 văn bản); có 64/183 báo cáo có kiến nghị về kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân được thực hiện.
Theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015, KTNN chỉ là cơ quan có chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công bằng các hình thức kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động đối với các cơ quan và các chương trình của Nhà nước.
Do đó, để các kiến nghị của KTNN được thực thi cần phải có một cơ chế phù hợp. Hệ thống pháp luật liên quan đến KTNN trong việc thực hiện kết luận, kiến nghị nghị KTNN cần phải được hoàn thiện.
Năm 2023, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh yêu cầu các đơn vị trực thuộc KTNN tổ chức nghiên cứu, rà soát và đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật KTNN.
Trong đó, tập trung đánh giá kết quả đạt được sau khi có Luật KTNN năm 2015 trên góc độ về việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; đặc biệt là việc chấp hành pháp luật và hiệu quả trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị. Đồng thời, đánh giá những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thi hành Luật và nguyên nhân khách quan, chủ quan.
Năm 2023, KTNN đã có nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác xây dựng và tuyên truyền pháp luật, góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý cho sự phát triển của KTNN. Đặc biệt, lãnh đạo KTNN trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Hồ sơ Dự án Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN và đã được thông qua ngày 28/2/2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2023. Đến ngày 30/11/2023, Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành 15/16 văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật; ban hành 40/59 văn bản quản lý.
Bên cạnh đó, Vụ Pháp chế (KTNN) đã hoàn thành công tác tham mưu rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung Luật KTNN.
Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, đồng thời bám sát mục tiêu chung của Ngành, năm 2024, Vụ Pháp chế xác định tiếp tục nâng cao chất lượng công tác pháp luật, công tác thẩm định Kế hoạch kiểm toán, Báo cáo kiểm toán, trả lời kiến nghị kiểm toán; tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; phát huy vai trò của đơn vị tham mưu về công tác pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật; phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.
Tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật KTNN theo Kế hoạch; xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch tuyên truyền pháp luật năm 2024. Hoàn thành Thông tư liên tịch về việc phối hợp trao đổi thông tin về tội phạm và giải quyết kiến nghị khởi tố được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán.
Đồng thời, xây dựng, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) của KTNN năm 2024 đảm bảo chất lượng và tiến độ. Thực hiện việc góp ý, thẩm định văn bản QPPL bảo đảm theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật ban hành văn bản QPPL. Tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch kiểm tra thực hiện văn bản năm 2024 của KTNN. Rà soát, hệ thống hóa, cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia và pháp điển hệ thống văn bản QPPL thuộc thẩm quyền của KTNN.