Màn hình máy tính nổi thông báo lạ, cụ ông cung cấp thông tin 3 tài khoản ngân hàng, bị rút sạch 4,4 tỷ đồng tiền tiết kiệm chỉ trong 15 phút
(Thị trường tài chính) - Vì 1 sai lầm, cụ ông 79 tuổi mất sạch số tiền tiết kiệm lên đến 4,4 tỷ đồng.
Câu chuyện về 1 cụ ông đến từ Singapore bị lừa 4,4 tỷ đồng qua điện thoại là lời cảnh tỉnh chúng ta cần sử dụng đồ công nghệ 1 cách thông minh. Hiện câu chuyện của ông Tan, 79 tuổi đến từ Singapore vẫn đang thu hút sự chú ý của rất nhiều người.
Ông Tan có thói quen sử dụng máy tính. Như thường lệ, ông khởi động máy tính và nghe nhạc, đọc báo. Tuy nhiên, ông Tan lại nhận thấy máy tính có 1 dòng cảnh báo về việc quyền truy cập của thiết bị đã bị chặn.
Thấy hoang mang, ông Tan ngay lập tức gọi điện cho con trai để hỏi về cảnh báo này. Tuy nhiên, con trai ông - Albert lại không nghe điện thoại vì đang trên đường về nhà sau giờ làm việc. Vì tò mò và lo lắng, cụ ông 79 tuổi đã quyết định gọi theo số điện thoại lạ hiện trên cảnh báo mong được hỗ trợ. Tuy nhiên, ngay sau khi ông nói chuyện với người nước ngoài ở đầu dây bên kia, tài khoản tiết kiệm của ông bất ngờ bị trừ tiền. Chỉ sau 15 phút, số tiền 173.000 USD (tương đương 4,4 tỷ đồng) đã "không cánh mà bay" trong sự hoảng hốt của cụ già 79 tuổi.
Chia sẻ với trang The Straits Times, con trai ông Tan không giấu được sự hoang mang. Anh tiết lộ bố mình đã nhận cảnh báo được cho là từ phần mềm bảo mật nhưng thực chất là đường dây lừa đảo. Người nghe máy khi ông Tan gọi đến tự xưng là Ethan Jones - cảnh sát phòng chống tội phạm mạng. Trong quá trình kéo dài cuộc trò chuyện với ông Tan, tên lừa đảo này đã truy cập từ xa vào máy tính và điện thoại của cụ ông. Từ đó, Ethan Jones hỏi ông Tan có tài khoản ngân hàng nào không, nếu có hãy để hắn kiểm tra xem tài khoản có bị kẻ xấu truy cập hay không.
Tin lời tên lừa đảo, cụ ông 79 tuổi đành đọc tên đăng nhập và mật khẩu 3 tài khoản ngân hàng. Ông Tan tin rằng kẻ lừa đảo là cảnh sát mạng nên làm theo mọi yêu cầu của hắn. Khi ngân hàng gửi OTP về điện thoại, kẻ lừa đảo thúc giục ông Tan nhanh chóng cung cấp dãy số này để hoàn tất thủ tục kiểm tra. Sau khi cung cấp OTP cho tên lừa đảo, toàn bộ số tiền tiết kiệm của cụ ông U80 nhanh chóng bị rút hết.
Sau khi nhận cuộc gọi từ ngân hàng xác nhận việc rút hết tiền tiết kiệm, ông lão U80 mới nhận ra mình đã bị lừa. Ông ngay lập tức trình báo cảnh sát Singapore về vụ việc này với mong muốn được hỗ trợ. Tuy nhiên, cảnh sát và ngân hàng xác nhận số tiền này đã được chuyển tới Hong Kong, số điện thoại của tên lừa đảo là giả. Vì thế cảnh sát không dễ để tìm ra tên tội phạm đã lừa tiền của ông Tan.
Tổng số tiền trong tài khoản tiết kiệm của ông Tan được rút 3 lần, trong vòng 15 phút. Lần đầu, tên lừa đảo rút 55.000 USD (1,4 tỷ đồng), lần thứ 2 hắn rút 68.000 USD (1,7 tỷ đồng) và "giải quyết" nốt số tiền còn lại trong lần rút thứ 3.
Sau khi trở về nhà, Albert đã kiểm tra ngay máy tính và phát hiện phần mềm độc hại trên thiết bị nhưng bố không hề hay biết. Vì không thường xuyên quét virus và phần mềm độc hại thường xuyên nên máy tính của ông Tan đã bị kẻ gian xâm nhập. Đặc biệt, vì cả tin nên cụ ông 79 tuổi đã làm theo mọi hướng dẫn của tên lừa đảo, vì thế hắn có thể "moi sạch" số tiền tiết kiệm của ông.
Đây không phải chiêu thức lừa đảo mới nhưng vẫn nhiều người "sập bẫy", nhất là người già. Vì vậy mỗi chúng ta cần cảnh giác với mọi thông tin, nhất là những cảnh báo trên thiết bị di động, máy tính. Mỗi người cần giữ bí mật các thông tin về tài khoản ngân hàng, tài khoản tiết kiệm, không chia sẻ với bất kỳ ai trong bất kỳ trường hợp nào. Đặc biệt, chúng ta cần thường xuyên quét phần mềm độc hại, virus trên máy tính để tránh hacker xâm nhập và có cơ hội lừa đảo.