HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Rủng rỉnh cổ tức, doanh nghiệp dệt may vẫn chưa hết lo

Song Anh

(Thị trường tài chính) - Trước thềm Đại hội cổ đông, loạt tin vui đã được các doanh nghiệp dệt may công bố. Điều này cho thấy nỗ lực của ngành công nghiệp đang giải quyết việc làm cho nhiều lao động này. Tuy nhiên, đường vượt khó của khối dệt may vẫn được dự báo là sẽ còn nhiều gian nan.

Cổ đông đón loạt tin vui

Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ (HoSE: HTG) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2024. Đại hội dự kiến được tổ chức vào ngày 12/04 tại trụ sở Công ty - số 36 Ông Ích Đường, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng, theo danh sách chốt ngày 15/03/2024. Trong đó nổi bật nhất là tờ trình về phương án phân phối lợi nhuận năm 2023 của công ty.

Theo kế hoạch Nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2023 giao, tỷ lệ chi trả cổ tức 2023 cho cổ đông là 25%/vốn điều lệ. Căn cứ ước tính kết quả kinh doanh 2023 dự kiến hoàn thành kế hoạch đề ra, để tăng hiệu quả đầu tư cho cổ đông, ngày 04/12, HĐQT HTG đã thống nhất tạm ứng cổ tức 2023 bằng tiền là 25%, được trả vào ngày 26/01/2024.

Rủng rỉnh cổ tức, doanh nghiệp dệt may vẫn chưa hết lo - ảnh 1
HTG là một trong những doanh nghiệp chia cổ tức đều đặn với tỉ lệ khá cao

Dựa trên thực tế kết quả kinh doanh 2023, HĐQT HTG trình ĐHĐCĐ xem xét phê duyệt chi trả thêm cổ tức bằng tiền 10%, qua đó nâng tổng tỷ lệ cổ tức 2023 lên 35%, tăng 40% so với kế hoạch được giao.

Ngày 5/4 tới đây, Dệt may CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương Thành Công (TCM) cũng sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023 theo danh sách chốt ngày 2/4/2024.

Theo báo cáo hoạt động kinh doanh tháng 2/2024, Dệt may TCM ghi nhận doanh thu đạt hơn 267 tỷ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2023 và lợi nhuận đạt 17 tỷ đồng, tăng 18%.

So với tháng 1, doanh thu và lợi nhuận của TCM đều giảm 2 con số. Theo giải trình của TCM, doanh thu và lợi nhuận giảm chủ yếu do công ty này nghỉ Tết Nguyên đán 11 ngày.

Lũy kế 2 tháng đầu năm, doanh thu và lợi nhuận tại dệt may TCM lần lượt đạt hơn 624 tỷ đồng và 40 tỷ đồng, tăng 20% và 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

So với kế hoạch mà công ty này dự kiến trình ĐHĐCĐ năm 2024 là doanh thu 3.707 tỷ đồng và lãi sau thuế 161 tỷ đồng, dệt may TCM đã thực hiện được gần 19% chỉ tiêu doanh thu và hơn 25% mục tiêu lợi nhuận trong 2 tháng đầu năm.

Doanh thu tại TCM đến từ 3 mảng chính, trong đó sản phẩm may đóng góp nhiều nhất khi chiếm 78% tổng doanh thu, tiếp theo là vải chiếm 13% và sợi chiếm 7%.

Xét về thị trường xuất khẩu, châu Á vẫn giữ chủ đạo khi chiếm 71,9%, dẫn đầu là Hàn Quốc với 24,04%; Nhật Bản 19,93% và Trung Quốc 18,78%, các thị trường khác chiếm 5,66%. Tiếp đến, thị trường châu Mỹ chiếm 25,6%, riêng nước Mỹ là 16,59%; cuối cùng sang châu Âu chiếm 2,2%.

Về tình hình đơn hàng, TCM cho biết đến hiện tại, doanh thu ước tính cho đơn hàng quý 1/2024 cao hơn so với cùng kỳ. Công ty đã và đang nhận khoảng 86% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý 2/2024.

Về tình hình hoạt động, HĐQT TCM vừa qua đã phê duyệt giao dịch nhận chuyển nhượng dự án đầu tư của Công ty TNHH Dệt may SY Vina, là công ty thuộc sở hữu toàn bộ của E-Land Asia Holdings - cổ đông lớn nhất của TCM sở hữu gần 47% vốn.

Phương thức nhận chuyển nhượng là mua lại toàn bộ tài sản và quyền triển khai dự án đầu tư. Giá trị chuyển nhượng khoảng 468 tỷ đồng (chưa gồm thuế VAT). Sau khi hoàn tất thương vụ, TCM sẽ là chủ sở hữu trực tiếp dự án của Dệt may SY Vina. Tuy nhiên, thông tin chi tiết về dự án, công suất vẫn chưa được công bố.

Triển vọng phục hồi chưa rõ ràng

Dù có nhiều thông tin tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất lợi, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, tuy nhiên, theo các chuyên gia, triển vọng ngành dệt may phục hồi vẫn chưa rõ ràng trong năm 2024.

Rủng rỉnh cổ tức, doanh nghiệp dệt may vẫn chưa hết lo - ảnh 2
Triển vọng ngành dệt may vẫn chưa hồi phục rõ ràng

Cụ thể, tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ chưa có nhiều khởi sắc trong năm 2024, điều này sẽ dẫn đến việc người tiêu dùng giảm chi tiêu và việc bổ sung lại các khoản tiết kiệm trở nên khó khăn hơn. “Không chắc chắn là từ để mô tả cảm giác của các thương hiệu thời trang và nhà cung cấp cho năm 2024. Các nhà bán lẻ thời trang đang phải đối mặt với nhiều thách thức khác nhau, bao gồm mức tồn kho cao, nhu cầu tiêu dùng thấp và cạnh tranh gia tăng"- báo cáo ngành Dệt may của Công ty Chứng khoán SSI cho biết.

Diễn biến này thể hiện rõ trong kết quả kinh doanh và các kế hoạch của khối doanh nghiệp Dệt may.

Dù là "gà đẻ trứng vàng" cho công ty mẹ - Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex, UPCoM: VGT) suốt những năm qua nhưng kết quả kinh doanh năm qua của HTG thực tế khá ảm đạm, với lãi trước thuế giảm đến 41% so với cùng kỳ xuống 211 tỷ đồng, chủ yếu do nhu cầu mua sắm hàng may mặc của khách hàng giảm, phản ánh vào sự sụt giảm của doanh thu; nhu cầu và giá bán của ngành sợi vẫn còn biến động và chưa được cải thiện.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2024, dựa trên dự báo tình hình thị trường và định hướng của công ty mẹ - Vinatex, Dệt may Hòa Thọ đặt mục tiêu doanh thu 4.500 tỷ đồng, giảm 4% so với thực hiện năm 2023; nhưng lãi trước thuế dự kiến tăng 4% lên 220 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức dự kiến từ 20 - 40%/ vốn điều lệ.

Từ thực tế thị trường, các chuyên gia SSI cho biết, các thương hiệu thời trang có thể sẽ đẩy mạnh việc phòng thủ trong kinh doanh, và các nhà cung cấp sẽ phải chịu ảnh hưởng lớn hơn từ nhu cầu đơn hàng giảm xuống khi vấn đề nay lan truyền đến khắp chuỗi cung ứng. Hơn nữa, quản lý hàng tồn kho và kiểm soát chi phí sẽ tiếp tục là trọng tâm chính với các nhà bán lẻ. Điều này sẽ dẫn tới rút ngắn thời gian đặt hàng và suy giảm giá bán cho các doanh nghiệp gia công hàng dệt may.