Hé mở về Tập đoàn Rạng Đông và Dự án khiến loạt cán bộ tỉnh Bình Thuận vướng lao lý

O.L

(Thị trường tài chính) - CTCP Rạng Đông là Tập đoàn đa ngành lớn nhất tỉnh Bình Thuận, sở hữu nhiều Dự án lớn tại địa phương này, trong đó có Dự án khu đô thị du lịch biển Phan Thiết.

Trước đó, Thị trường Tài chính - Báo Kinh tế và Đô Thị đã đưa tin, ngày 26/4 Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương và loạt đồng phạm liên quan đến vụ án xảy ra tại Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết (Tập đoàn Rạng Đông làm chủ đầu tư).

Được biết, trước đó, vào ngày 1/3/2023, Bộ Công an đã chính thức ra quyết định khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết (phường Phú Thủy, TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận).

Hé mở về Tập đoàn Rạng Đông và Dự án khiến loạt cán bộ tỉnh Bình Thuận vướng lao lý - ảnh 1
Lực lượng chức năng có mặt trước nhà ông Lê Tiến Phương. Ảnh VOV

Dự án khu đô thị du lịch biển Phan Thiết nằm trong những khu đất đắc địa nhất của TP. Phan Thiết, Bình Thuận. Dự án nằm trên diện tích đất tiền thân là sân golf Phan Thiết, tọa lạc tại phường Phú Thủy, TP Phan Thiết với diện tích hơn 62ha.

Trước đây, chủ đầu tư dự án sân golf Phan Thiết là Công ty Regent Internationnal Overseas Corp (vốn 100% nước ngoài) được Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cấp giấy phép ngày 27/7/1993.

Đây là dự án có vòng đời 50 năm. Dự án đã trải qua nhiều lần điều chỉnh quy mô và chủ đầu tư.

Hé mở về Tập đoàn Rạng Đông và Dự án khiến loạt cán bộ tỉnh Bình Thuận vướng lao lý - ảnh 2
Mặt tiền của dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết. Ảnh Tuổi Trẻ Thủ đô

Đến ngày 26/3/2015, UBND tỉnh Bình Thuận chứng nhận thay đổi lần thứ 6, với việc điều chỉnh nội dung từ đất sân golf sang khu đô thị biển Phan Thiết do Công ty cổ phần Rạng Đông làm chủ đầu tư.

Trước khi Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án hình sự; liên quan đến dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết, Bộ Chính trị đã thi hành kỷ luật cảnh cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận các nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Bình Thuận các nhiệm kỳ 2011-2016, 2016-2021.

Hai cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận gồm: ông Huỳnh Văn Tí (nhiệm kỳ 2010-2015) bị kỷ luật "Khiển trách", ông Nguyễn Mạnh Hùng (nhiệm kỳ 2015-2020) bị kỷ luật "Cảnh cáo". Riêng ông Lê Tiến Phương (Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016) bị kỷ luật "Cách hết chức vụ trong Đảng và chính quyền".

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an thông báo kết quả giám định tài sản phần diện tích 36ha đất ở đô thị tại dự án là hơn 2.800 tỷ đồng, trong khi ngân sách nhà nước chỉ thu về hơn 900 tỷ đồng phần diện tích này.

Tập đoàn Rạng Đông có gì?

Tập đoàn đa ngành lớn nhất tỉnh Bình Thuận mang đậm dấu ấn của doanh nhân Nguyễn Văn Đông (SN 1962).

Theo giới thiệu, Tập đoàn Rạng Đông được thành lập từ đầu năm 1991, tiền thân là tổ hợp xây dựng số 4. Khi này, quy mô lao động chỉ 5 người và trụ sở đầu tiên được đặt tại xã Măng Tố, tỉnh Bình Thuận. 4 năm sau, một phần của Tổ hợp được chuyển xuống thị xã Phan Thiết và đổi tên thành Xí nghiệp Xây lắp Rạng Đông với 120 lao động.

Công ty hoạt động ở các lĩnh vực: Công trình giao thông, Khoáng sản - Vật liệu Xây dựng, Khu nghỉ dưỡng, Khu bảo tồn và Bất động sản.

Đến năm 2007, CTCP Rạng Đông chính thức ra đời, đánh dấu cho quá trình đi lên và phát triển mới: Sở hữu 15 công ty thành viên, trên 3.000 lao động và hơn 300 dự án đã hoàn thành, tính đến thời điểm hiện tại.

Hé mở về Tập đoàn Rạng Đông và Dự án khiến loạt cán bộ tỉnh Bình Thuận vướng lao lý - ảnh 3
Quá trình tăng vốn điều lệ của Rạng Đông

Cuối tháng 8/2016, Rạng Đông Group có vốn điều lệ 1.100 tỷ đồng, do ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch HĐQT Rạng Đông Group sở hữu 96% vốn, cổ đông Huỳnh Tịnh Túy nắm 2%, phần còn lại không rõ chủ sở hữu.

Đầu tháng 10/2019, Rạng Đông Group tăng vốn điều lệ lên gần 2.436 tỷ đồng, ông Nguyễn Văn Đông nắm 97%. Tổng Giám đốc và người đại diện pháp luật được biết đến là ông Nguyễn Ngọc Lân (trước đó vị trí này do ông Nguyễn Ngọc Đông đảm nhiệm).

Cập nhật tại ngày 24/6/2019, CTCP Rạng Đông có quy mô vốn điều lệ lên tới 1.804 tỷ đồng. Trong đó, Chủ tịch Nguyễn Văn Đông góp 1.749,88 tỷ đồng, sở hữu tới 97% vốn điều lệ. Đến tháng 10/2019, CTCP Rạng Đông tiếp tục nâng vốn điều lệ lên mức 2.435,65 tỷ đồng, người đại diện theo pháp luật được đổi sang cho Tổng giám đốc Nguyễn Ngọc Lân (SN 1977).

Đến ngày 30/6/2020, công ty này đã nâng vốn điều lệ lên tới 3.137,9 tỷ đồng. Tính đến tháng 8/2021, Tập đoàn có vốn điều lệ 4.500 tỷ đồng.

Tại thời điểm tháng 8/2023, bà Trịnh Thị Phương Hiền (SN 1981, TP Phan Thiết, Bình Thuận) là người đại diện theo pháp luật.

Hệ sinh thái của Rạng Đông đáng chú ý nhất là 2 Công ty TNHH XDCB Rạng Đông và Công ty Khu đô thị Du lịch biển Phan Thiết (Du lịch biển Phan Thiết). Ngoài ra, Rạng Đông Group còn nhiều cái tên khác như: Công ty TNHH MTV Sealinks City, Công ty Khu nghỉ mát Phan Thiết, CTCP Khoáng sản Sông Bình, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Đại Phúc, Công ty TNHH Tư vấn tài chính và Bất động sản Toàn Cầu, Công ty TNHH B.O.T Cảng hàng không Phan Thiết, CTCP Đầu tư tổng hợp Long Sơn, CTCP Đầu tư Thương mại Quang Minh., Công ty TNHH Khoáng sản Rạng Đông, CTCP Tổng hợp Sunrise.

Dự án nổi bật nhất trong lĩnh vực BOT của Rạng Đông Group phải kể tới dự án đầu tư xây dựng sân bay Phan Thiết, quy mô 543 ha, có tổng mức đầu tư 1.640 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực bất động sản, Rạng Đông Group là chủ đầu tư một loạt dự án bất động sản đáng chú ý tại Bình Thuận như: Khu phức hợp nghỉ dưỡng Sea Links City rộng 167 ha tại địa chỉ Km 09 Nguyễn Thông, phường Phú Hài, TP.Phan Thiết (hay còn gọi là dự án Sân Golf Sea Link Phan Thiết); Dự án khu dân cư Rạng Đông rộng 8 ha thuộc địa bàn xã Hàm Liên, huyện Hàm Thuận Bắc; Dự án Khu công nghiệp Sông Bình quy mô 300ha, tại xã Sông Bình, huyện Bắc Bình.

Trong lĩnh vực khai khoáng, Rạng Đông Group là chủ đầu tư dự án Khai thác khoáng sản cát bồi nền Hàm Kiệm 4 (thôn Dân Bình, xã Hàm Kiệm, trữ lượng 101.768 m3); Khai thác khoảng sản mỏ đá xây dựng Tân Hà (xã Tân Hà, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận).