Việt Nam có ngôi làng nằm sâu dưới lòng đất, chỉ dài hơn 1km nhưng có thể chứa tới 1.200 người, có cả hội trường, trạm xá…
(Thị trường tài chính) -Nơi đây được coi là một huyền thoại bất tử, nơi đã chở che, nuôi nấng và ươm những hạt mầm hy vọng cho vùng lũy thép, lũy hoa.
Nằm tại thôn Vịnh Mốc, xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, địa đạo Vịnh Mốc là công trình huyền thoại, được xem như “bảo tàng sống” trong lòng đất lửa. Đây không chỉ là nơi che chở, nuôi dưỡng người dân vùng chiến địa mà còn là biểu tượng của ý chí kiên cường, một di sản đặc biệt trong lịch sử Việt Nam.
Địa đạo Vịnh Mốc là nơi sinh sống của quân dân đất thép Vĩnh Linh trong thời kì kháng chiến khốc liệt. Ảnh: Cổng TTĐT Đảng bộ tỉnh Quảng Trị
Được xây dựng từ năm 1965 đến 1967, địa đạo Vịnh Mốc là một công trình kỳ vĩ, trải rộng trên diện tích khoảng 7ha. Hệ thống này kết nối các địa đạo ở thôn Vịnh Mốc, thôn Sơn Hạ và đồn Công an vũ trang 140, tạo nên một mạng lưới liên hoàn phục vụ cho nhu cầu chiến đấu và sinh sống của quân và dân Vĩnh Linh.
Sơ đồ cấu trúc địa đạo. Ảnh: Báo Lao Động
Toàn bộ địa đạo Vịnh Mốc có chiều dài đường hầm 1.701m; chiều cao đường hầm từ 1,7-1,8m, gồm có 13 cửa ra vào (có 6 cửa được thông lên đồi, 7 cửa thông ra hướng biển).
Du khách vào khám phá bên trong lòng địa đạo Vịnh Mốc. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam
Công trình bao gồm 3 tầng: tầng 1, cách mặt đất từ 8-10m, có chiều dài 421m; tầng 2, cách mặt đất từ 12-15m, dài 508m; tầng 3, cách mặt đất 20-23m, dài 130m. Dọc hai bên đường hầm, người ta cho khoét sâu vào bên trong vách, tạo ra các ngách nhỏ (căn hộ gia đình) có thể đủ chỗ sinh hoạt cho 2 đến 4 người. Đây cũng từng là nơi che chở cho nhiều hộ gia đình trong những năm mưa bom, bão đạn.
Ở tầng dưới cùng, quân và dân Vĩnh Linh cũng đào thành hầm tránh bom khoan. Nhờ chiếc hầm kiên cố này, trong suốt thời gian tồn tại trong lòng địa đạo, người dân Vịnh Mốc không một ai bị thương…
Địa đạo Vịnh Mốc được thiết kế với hệ thống thông gió thủ công. Các cửa hầm đều có cột gỗ chống sập và sụt lở, ngụy trang kín đáo, chếch theo hướng gió để đảm bảo thông thoáng và an toàn. Mặt bằng đường hầm cao hơn mực nước biển 5m, nghiêng từ 8-120 độ từ Nam về Bắc, từ Tây sang Đông để nước dễ thoát, giúp nước dễ dàng thoát, giữ cho hầm luôn khô ráo, ngay cả trong mùa mưa. Nhờ đó, đất sét trong hầm ngày càng cứng lại, giúp địa đạo duy trì được sự vững chắc đến ngày nay.
Ngoài các căn hộ gia đình, địa đạo còn có hội trường sức chứa 50-60 người để tổ chức các buổi hội họp, biểu diễn văn nghệ… Các công trình khác bao gồm nhà hộ sinh, trạm phẫu thuật, trạm xá, nhà vệ sinh, giếng nước, bếp nấu ăn (bếp Hoàng Cầm)… phục vụ sinh hoạt và chiến đấu.
Hình ảnh cuộc sống đầy cơ cực trong lòng địa đạo tối tăm và ẩm ướt. Ảnh: Báo Lao Động, Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam
Theo TTXVN, địa đạo là nơi ở của quân và dân Vĩnh Linh trong những năm chiến tranh ác liệt, lúc đông nhất có khoảng 1.200 người sinh sống. Cuộc sống dưới địa đạo luôn thiếu ánh sáng, các chất liệu dùng để thắp sáng như dầu, mỡ thường phải tiết kiệm để dành cho những lúc cần thiết như hội họp, cấp cứu bệnh nhân, chăm sóc trẻ sơ sinh…
Trong gần 2.000 ngày đêm tồn tại dưới lòng địa đạo, để có thể sinh sống an toàn nhằm duy trì nòi giống, các gia đình, dòng tộc, cư dân vùng địa đạo Vịnh Mốc phải chia ra sống ở nhiều hầm khác nhau. Trong điều kiện khắc nghiệt như thế, hệ thống địa đạo của “làng hầm” Vĩnh Lĩnh đã chứng kiến sự ra đời đầy kì diệu của 60 đứa trẻ, riêng địa đạo Vịnh Mốc có 17 đứa trẻ đã được sinh ra.
Những hình ảnh tư liệu về địa đạo Vịnh Mốc. Ảnh: Báo Lao Động
Theo Cổng TTĐT Đảng bộ tỉnh Quảng Trị, địa đạo Vịnh Mốc do ông Lê Xuân Vy, lúc đó là Đồn trưởng Công an Vũ trang 140, Tỉnh đội Quảng Trị chỉ huy, hướng dẫn. Đây là công trình thể hiện trí tuệ, nghị lực phi thường, ý chí và lòng quyết tâm của quân dân Vịnh Mốc, Sơn Hạ và lực lượng Đồn Công an vũ trang 140.
Sự ra đời và tồn tại của địa đạo Vịnh Mốc trong những năm chiến tranh ác liệt đã không chỉ đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn và duy trì sự sống của con người vùng tuyến lửa mà còn có vai trò quan trọng trong công tác chiến đấu, phục vụ chiến đấu, chi viện cho đảo Cồn Cỏ và chiến trường miền Nam; góp phần đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ, cùng cả nước thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đây là một hình thức phòng tránh hoàn thiện và có hiệu quả cao nhất, thể hiện một nghị lực phi thường, tinh thần kiên cường, bám trụ và là một sáng tạo độc đáo của chiến tranh nhân dân Việt Nam.
Giữa những năm bom đạn ác liệt, không ai có thể ngờ rằng lại có một địa đạo Vịnh Mốc – một thế giới sống và chiến đấu ở trong lòng đất, biệt lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Ảnh: Báo SGGP
Địa đạo Vịnh Mốc là công trình kỳ vĩ, được xem là huyền thoại trong lòng đất lửa Quảng Trị, mang tính kiến trúc nghệ thuật cao và là một di sản lịch sử, văn hóa đặc thù, độc đáo có ý nghĩa vô cùng to lớn trong giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng và khai thác du lịch.
Đa số các du khách đến đây đều rất ấn tượng về công trình kiến trúc độc đáo dưới lòng đất này. Ảnh: Báo SGGP
Từ năm 1995, Khu Bảo tàng địa đạo Vịnh Mốc chính thức mở cửa đón khách tham quan. Nơi đây đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt vào năm 2014, nơi thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan.