Làng cổ tồn tại hơn 700 năm ở miền Trung Việt Nam có 7 bảo vật quý được mệnh danh là ‘Nam Ô thất bảo’, thờ ngọc cốt loài cá thiêng
(Thị trường tài chính) - Ngôi làng cổ này rộng chưa tới 1,5km2 nhưng có tới gần 10 di tích lịch sử - văn hóa.
Nam Ô là một làng chài ven vịnh Đà Nẵng, dưới chân đèo Hải Vân, có diện tích chưa đầy 1,5km2. Nơi đây bên có sông Cu Đê, trước có biển, thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng. Theo sử sách xưa, vùng đất này thuộc Vương quốc Chăm Pa, sau đó trở thành cửa ô phía Nam của Đại Việt nên có tên là Nam Ô.
Gành Nam Ô và rừng cây được dân làng bảo vệ. Ảnh: Đoàn Cường/Báo Tuổi Trẻ
Làng Nam Ô là một làng nghề truyền thống về khai thác, đánh bắt thủy hải sản, làm nước mắm và làm pháo. Theo người dân, nước mắm của làng từng là đặc sản nổi tiếng tiến Vua.
Không chỉ vậy, nơi đây còn có đến 7 di tích lịch sử cùng lúc được xếp hạng cấp thành phố - điều mà các vị cao niên mỗi khi đón khách phương xa đến tìm hiểu về cái hay của làng mình lại nở nụ cười lên lão đầy tự hào: Nam Ô thất bảo.
“Nam Ô thất bảo” bao gồm các công trình lịch sử, thiết chế văn hóa, gắn liền với đời sống tín ngưỡng, tâm linh từ bao đời nay của người dân làng chài: Đình Nam Ô, Lăng Ông, Dinh Âm Linh (dân gian gọi Dinh Cô Hồn), Nghĩa trủng Nam Ô, Miếu Bà Liễu Hạnh, Miếu Bà Bô Bô, Giếng Lăng.
Đình Nam Ô
Đình được xem là một trong số ít các di tích còn lưu giữ những giá trị di sản văn hóa truyền thống ở Liên Chiểu. Theo các cụ cao niên làng Nam Ô, ban đầu Đình Nam Ô được xây ở mé Nam gành đá Nam Ô, tục gọi là Hòn Phụng, có mỏm núi nhô ra vũng Trà Sơn (vịnh Đà Nẵng) dân làng quen gọi là Mũi Hạc.
Đình lưng tựa hướng Tây, mặt quay về hướng Đông trên một địa trạch có phong thủy tốt đẹp, trước mặt là vũng Trà Sơn đã bị Mũi Hạc nhô ra che khuất hết một nửa, êm đềm lung linh nước đầy lai láng, đêm đêm trăng rọi, sao rơi. Bên hông đình là rừng cây cổ thụ ngàn năm xào xạc vi vu.
Tương truyền, xưa có một vị thượng quan ghé qua, cảm kích vẻ đẹp của làng đã ứng tác một bài tứ tuyệt, được các cụ cho chép lên vách đình: Trác phụng hàm châu bán nguyệt hình/ Án tiền đường lộng khởi tam tinh/ Triều lai ngũ thủy trừng thanh bạch/ Văn võ đinh tài thạnh phát minh.
Tác giả ví ngôi đình như một viên ngọc châu trong hàm con chim phụng giữa vùng vịnh Đà Nẵng có hình bán nguyệt. Tiền đường nhìn ra hướng biển, đón những đợt thủy triều xanh trong (nên) tráng đinh trong làng phát cả về nghề văn lẫn nghiệp võ.
Thời xưa, vịnh nước trước đình vừa là bến đậu ghe của làng vừa là chỗ các thuyền quan binh ghé tạm dừng chân chờ qua cơn loạn lạc. Đây cũng là nơi thương lái ghe bầu xuôi Nam ngược Bắc cập bến để lấy gạo củi thực phẩm, nước ngọt trong những giếng Chàm cổ ở làng cho chuyến hải hành dài ngày.
Có điều, do nằm ngay “họng bão” nên về sau đình bị cơn bão năm Mẹo (Ất Mão - 1915) đánh sụp, dân làng dời về địa điểm hiện nay, tổ dân phố 37 Nam Ô 1. Vị trí mới này nằm sát bến sông Nam Ô, tiện việc giao thông đường thủy, nên đình được nhiều tao nhân mặc khách các nơi ghé thăm.
Cồn Trò
Ký ức nhiều người dân Nam Ô vẫn còn lưu giữ một nơi có tên là Cồn Trò cách không xa đình làng. Gọi thế bởi đây là nơi dừng chân của sĩ tử vùng Nam - Ngãi - Bình - Phú (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên) trước khi băng qua đèo Hải Vân để ra ứng thí tại trường thi Thừa Thiên.
“Bộ tam” trên bãi biển
Nếu Đình Nam Ô bước sóng đôi với Cồn Trò đi vào lịch sử làng Nam Ô thì Lăng Ông, Giếng Lăng và Dinh Âm Linh làm thành một “bộ tam” bên bãi biển.
Theo người dân trong làng, Lăng Ông là nơi dân làng chôn cất và lưu giữ hài cốt cá Ông qua nhiều năm. Khi cá Ông chết dạt vào bờ, ngư dân nhìn thấy sẽ là người "để tang" và chôn cất cá Ông tại Lăng. Sau 3 năm thì thực hiện nghi thức cải táng và mang bộ xương cá Ông vào trong Lăng để thờ cúng.
Lễ tế Cầu ngư tại Lăng Ông được tổ chức vào 15/2 Âm lịch hằng năm, là dịp để dân làng Nam Ô bày tỏ lòng thành kính với cá Ông, cầu mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, hi vọng về những chuyến ra khơi thuận lợi, đầy tôm đầy cá.
Ngọc cốt cá Ông được lưu giữ tại Lăng Ông (ảnh trái), bên cạnh là Giếng Lăng được tái tạo từ năm Bảo Đại thứ chín ( năm 1934). Ảnh: V.T.L
Sát bên lăng có một giếng cổ hình vuông bằng đá, gọi là Giếng Lăng. Đây là giếng Chăm cổ còn sót lại, nước giếng đến bây giờ vẫn ngọt lành, trong mát.
Kề ngay phía Bắc lăng Ông là Dinh Âm Linh, nơi tưởng niệm các nghĩa sĩ tuẫn vong trong trận chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha xâm lược Đà Nẵng năm 1858. Hài cốt của của hàng ngàn dân binh, nghĩa sĩ “vị quốc vong thân” trong trận chiến khốc liệt năm xưa đã được an nghỉ tại Nghĩa trủng Nam Ô.
Rằm tháng Giêng hằng năm, dân làng Nam Ô tự nguyện đóng góp kinh phí để làm lễ tế âm linh tại Dinh Âm Linh, cầu mong cho làng xóm an bình, điều lành đem đến, điều dữ tránh đi.
Miếu Bà Liễu Hạnh - Miếu Bà Bô Bô
Cách Dinh Âm Linh chừng một cây số về phía gành Nam Ô có Miếu Bà Liễu Hạnh gắn với tục thờ Mẫu của cư dân Đại Việt trên vùng đất mới, lưu giữ các giá trị văn hóa - lịch sử nơi phía Nam núi Hải Vân.
Cách đó không xa là Miếu Bà Bô Bô có niên đại trên 150 năm, hiện vẫn còn nguyên 6 sắc phong quý giá từ triều Nguyễn. Cách thờ tự ở miếu thể hiện tính cộng cư của hai dân tộc Chăm - Việt trên vùng đất còn lưu giữ nhiều vật thể và văn hóa tín ngưỡng mang yếu tố Chăm; thể hiện tinh thần hòa nhập trân trọng tín ngưỡng bản địa trên vùng đất mới của người Việt.
Với những giá trị lịch sử và văn hóa phong phú, 7 di tích trong "Nam Ô thất bảo" đã được công nhận là Di tích Lịch sử cấp Thành phố vào năm 2020. Những di tích này không chỉ là minh chứng cho sự tiếp biến văn hóa Chăm – Việt mà còn lưu giữ những câu chuyện lịch sử đặc sắc qua các thời kỳ phát triển của vùng đất Nam Ô và Đà Nẵng.
Năm 2021, Đà Nẵng đã khởi công trùng tu 7 di tích của "Nam Ô thất bảo" với tổng kinh phí hơn 25 tỷ đồng, nhằm bảo tồn và phát triển tiềm năng du lịch địa phương. Hiện các di tích đã được trùng tu khang trang, tạo điểm nhấn lịch sử - văn hóa quan trọng, hứa hẹn trở thành điểm đến thu hút du khách trong tương lai.