HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Ngôi trường hơn 100 năm tuổi nơi Bác Hồ giảng dạy trước khi ra nước ngoài tìm đường cứu nước, được công nhận là Di tích cấp Quốc gia

Linh Chi

(Thị trường tài chính) -Hàng năm, Khu di tích đón hàng trăm lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, dâng nén hương thơm lên bàn thờ Bác với tất cả tấm lòng thành kính và biết ơn vô hạn.

Nhắc đến Phan Thiết, người ta thường nghĩ ngay đến những bãi biển cát trắng, đẹp như tranh. Nhưng ít ai biết rằng Phan Thiết còn có một địa điểm di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng gắn liền với cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó chính là Khu di tích trường Dục Thanh.

Ngôi trường hơn 100 năm tuổi nơi Bác Hồ giảng dạy trước khi ra nước ngoài tìm đường cứu nước, được công nhận là Di tích cấp Quốc gia - ảnh 1
Khu di tích Dục Thanh, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Hồng Hiếu/TTXVN

Theo thông tin từ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận, trường Dục Thanh nằm ở trung tâm thành phố Phan Thiết. Đây là công trình có ý nghĩa lớn đối với nhân dân Bình Thuận. Với giá trị to lớn về văn hóa và lịch sử, năm 1986, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận đây là Di tích Lịch sử, Văn hóa Quốc gia.

Trường Dục Thanh ra đời và hoạt động từ năm 1907 đến 1912, hưởng ứng phong trào Duy Tân do nhà yêu nước Phan Bội Châu khởi xướng. Ông Nguyễn Trọng Lội và ông Nguyễn Quý Anh, hai người con của nhà thơ, nhà văn yêu nước Nguyễn Thông, cùng các nhân sĩ yêu nước khác, đã sáng lập một trường tư thục với nội dung giảng dạy tiến bộ. Trường dạy chữ Quốc ngữ, chữ Hán, chữ Pháp cùng các môn học khác.

Ngôi trường hơn 100 năm tuổi nơi Bác Hồ giảng dạy trước khi ra nước ngoài tìm đường cứu nước, được công nhận là Di tích cấp Quốc gia - ảnh 2
Lớp học nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành dạy học tại trường Dục Thanh. (Ảnh: Hồng Hiếu/TTXVN)

Trường Dục Thanh cũng là nơi gắn liền với thời thanh niên của Bác Hồ. Thời điểm đó, Bác Hồ, với tên gọi là Nguyễn Tất Thành, đã giảng dạy tại trường từ tháng 9/1910 đến tháng 2/1911. Sau đó, thầy Nguyễn Tất Thành rời trường Dục Thanh để vào Sài Gòn (nay là TP.HCM). Đến ngày 5/6/1911, Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử và biến cố xã hội, Khu di tích trường Dục Thanh vẫn giữ được kiến trúc cũ. Ngôi trường có tổng diện tích 4.090 m², bao gồm trường Dục Thanh, nhà Ngư, nhà Ngọa Du Sào, nhà Lá cụ Nguyễn Thông, cây khế, giếng nước… Có 2 nhà lớn làm bằng gỗ và 1 nhà lầu nhỏ. Trong khuôn viên trường có vườn cây và tiểu cảnh được chăm chút cẩn thận, gọn gàng.

Ngôi trường hơn 100 năm tuổi nơi Bác Hồ giảng dạy trước khi ra nước ngoài tìm đường cứu nước, được công nhận là Di tích cấp Quốc gia - ảnh 3
Lớp học Bác từng dạy học tại trường Dục Thanh. Ảnh: Hồng Hiếu/TTXVN

Đặc biệt, tại trường Dục Thanh còn lưu giữ nhiều hiện vật gốc gắn liền với thời gian Bác Hồ làm việc tại đây, như một bộ họa đàng trường kỷ, một bộ ván gõ 3 tấm, một chiếc án thư, một chiếc tủ đứng, một chiếc thang gỗ, tráp văn thư, nghiên mài mực, 3 chiếc ly nhỏ, và một chiếc khay.

Năm 1983, tại Khu di tích trường Dục Thanh đã xây dựng Nhà Trưng bày về tiểu sử và nghiệp vụ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Công trình khánh thành ngày 17/5/1986, dịp mừng sinh nhật Bác lần thứ 96.

Ngôi trường hơn 100 năm tuổi nơi Bác Hồ giảng dạy trước khi ra nước ngoài tìm đường cứu nước, được công nhận là Di tích cấp Quốc gia - ảnh 4
Hiện vật tại trường Dục Thanh. Ảnh: Hồng Hiếu/TTXVN

Đây là một khu di tích có ý nghĩa quan trọng trong hệ thống di tích lưu niệm về Bác Hồ. Hàng năm, Khu di tích trường Dục Thanh đón hàng trăm lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, dâng nén hương thơm lên bàn thờ Bác với tất cả tấm lòng thành kính và biết ơn vô hạn.

* Tổng hợp