Đại gia thiết bị điện ACIT liên tiếp trúng thầu “khủng” và hành trình tăng vốn thần tốc
(Thị trường tài chính) - Công ty CP Kỹ thuật công nghiệp Á Châu (ACIT) đang thu hút sự chú ý khi liên tục trúng các gói thầu lớn trong lĩnh vực cung cấp thiết bị điện và năng lượng tái tạo. Đặc biệt, công ty còn nổi bật với hành trình tăng vốn "thần tốc," khi vốn điều lệ tăng vọt từ 225 tỷ lên 2.800 tỷ đồng chỉ sau 3 năm.
ACIT trúng những gói thầu khủng nào?
Nhà thầu CTCP Kỹ thuật công nghiệp Á Châu (ACIT) là đại gia sản xuất thiết bị điện có tiếng từ Bắc tới Nam.
Dữ liệu cho thấy, từ tháng 10/2015 tới nay, ACIT đã tham gia 535 gói thầu, trong đó trúng 294 gói, trượt 194 gói, 28 gói chưa có kết quả và 19 gói bị hủy. Tổng giá trị trúng thầu khoảng 17.260 tỷ đồng.
Một số gói thầu ACIT lớn trong năm 2024 doanh nghiệp này từng trúng có thể kể đến như: trong tháng 10/2024, CICT đã trúng ACIT đã trúng gói Lô 5.1: Cung cấp và vận chuyển VTTB nhất thứ tại TBA 220kV Long Biên với giá 12,9 tỷ đồng. Gói thầu này do Tổng Công ty truyền tải điện Quốc gia làm chủ đầu tư.
Cũng trong tháng 10/2024, ACIT nhận quyết định được lựa chọn là nhà thầu thực hiện gói thầu só 2-tubu-24 Xây lắp, thuộc Dự án Lắp đặt tụ bù tại thanh cái 22kV TBA 110kV Quế Võ, Phù Chẩn, Đại Đồng- Hoàn Sơn, tỉnh Bắc Ninh năm 2024. Giá trúng thầu hơn 9,3 tỷ đồng, thực hiện trong 150 ngày.
Trong tháng 9/2024, với vai trò độc lập, ACIT đã trúng gói thầu số 06 Mua sắm FCO, LBFCO, LA, tủ phân phối hạ thế, biến điện áp cấp nguồn và Dao cách ly các loại hình cho các tỉnh: Tiền Giang, Long An, An Giang, Hậu Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Trà Vinh, Cần Thơ thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu Dự toán mua sắm tập trung vật tư thiết bị trung và hạ thế đợt 2 năm 2024 của Tổng Công ty Điện lực miền Nam (thiết bị đóng cắt, tụ bù, tủ trung và hạ áp phân phối các loại). Giá trúng thầu hơn 87,5 tỷ đồng. Thời gian thực hiện hợp đồng 12 tháng.
Cũng trong tháng 9, doanh nghiệp trong vai trò độc lập đã trúng Gói thầu số 02: Mua sắm tủ điều khiển và bảo vệ, Rơ le và Thiết bị phối hợp truyền cắt xa F85 cho các Công ty Điện lực: Bạc Liêu, An Giang, Long An, Kiên Giang, Cà Mau, Cần Thơ, Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Tiền Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp. Chủ đầu tư là Tổng Công ty điện lực miền Nam TNHH. Giá trúng thầu 57,4 tỷ đồng...
Vào tháng 8/2024, ACIT cũng trúng Gói 1: Tủ điều khiển và bảo vệ, Tủ nguồn AC DC, bộ Acquy và hệ thống giám sát DC Online, giám sát Accquy Online cung cấp cho các PC Đồng Nai - PC Bình Dương - PC Bà Rịa Vũng Tàu - PC Lâm Đồng do Tổng Công ty điện lực miền Nam TNHH làm chủ đầu tư. Giá trúng thầu gần 63,8 tỷ đồng...
Bên cạnh việc cung cấp thiết bị điện, ACIT cũng khẳng định vị thế của mình trong lĩnh vực năng lượng tái tạo khi trở thành chủ đầu tư của dự án Nhà máy điện mặt trời Bầu Zôn. Dự án này có quy mô 29 ha tại xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, với công suất hơn 25 MW và tổng vốn đầu tư 500 tỷ đồng. Sau khi hoàn tất xây dựng, nhà máy đã chính thức vận hành thương mại vào ngày 5/8/2020.
Tháng 4/2021, ACIT tiếp tục mở rộng sự hiện diện của mình trong lĩnh vực năng lượng mặt trời thông qua việc mua lại 49% cổ phần của Công ty Cổ phần Điện mặt trời Trung Nam (TN Solar Power). Đây là công ty chủ đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc tại Ninh Thuận, có công suất 204 MW và sản lượng tối đa đạt 450 triệu kWh mỗi năm. Dự án này đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ký kết hợp đồng mua điện với giá ưu đãi 9,35 cent/kWh trong 20 năm.
Với thương vụ mua cổ phần này, từ ngày 1/1/2021, ACIT đã đảm nhận đầy đủ quyền và nghĩa vụ của một cổ đông chiến lược trong TN Solar Power. Ngày 9/4/2021, ACIT đã thế chấp toàn bộ 49 triệu cổ phần này tại Ngân hàng MB chi nhánh Sài Gòn, đảm bảo cho các khoản tài chính phục vụ dự án.
Đầu tháng 7/2024, Công ty Cổ phần Điện mặt trời Trung Nam công bố nghị quyết về việc chuyển nhượng 19,9 triệu cổ phần trong số 12 mã trái phiếu có tổng giá trị đang lưu hành gần 1.900 tỷ đồng. Theo đó, số cổ phần này sẽ được chuyển nhượng cho Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Năng lượng tái tạo Á Châu – một công ty con của ACIT – và ông Nguyễn Thanh Bình. Trong đó, Công ty Á Châu sẽ nhận 18 triệu cổ phần, tương đương 18% vốn điều lệ.
Nhờ thương vụ này, ACIT đã nắm được thêm phần lớn cổ phần của Điện mặt trời Trung Nam, từ đó biến Trung Nam trở thành công ty con của ACIT, đồng thời giúp công ty tăng cường năng lực trong ngành năng lượng tái tạo. Với động thái trên, ACIT tiếp tục khẳng định sự phát triển mạnh mẽ và tham vọng lớn trong lĩnh vực năng lượng sạch, đồng thời dần lấy quyền kiểm soát tại một trong những doanh nghiệp lớn trong ngành điện mặt trời tại Việt Nam.
Hành trình tăng vốn thần tốc của ACIT
CTCP Kỹ thuật công nghiệp Á Châu (ACIT) ra đời từ tháng 11/2006 tại Hà Nội. Đến tháng 7/2015, ACIT được cấp lại mã số thuế với vốn điều lệ ở mức 17,5 tỷ đồng, trong đó ông Nguyễn Ngọc Phương, Tổng Giám đốc thời điểm đó, nắm giữ 60% cổ phần.
Ông Phương, một nhân vật nổi bật trong ngành công nghiệp điện, cũng sở hữu Công ty Công nghệ Smosa Việt Nam, hoạt động trong lĩnh vực cơ khí chính xác, thiết bị điện và tủ điện.
Năm 2020, ACIT chứng kiến một sự chuyển đổi lớn khi ông Phạm Đình Thắng trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc. Sau khi ông Thắng lên nắm quyền, ACIT bắt đầu tăng vốn điều lệ từ 225,89 tỷ đồng lên 525,89 tỷ đồng vào tháng 9/2020. Vào đầu năm 2021, vốn điều lệ tiếp tục tăng lên mức 2.025,89 tỷ đồng, và đến cuối năm 2023, con số này đạt 2.800 tỷ đồng – tức gấp 12,4 lần so với thời điểm đầu năm 2020. Cơ cấu cổ đông của công ty hiện vẫn chưa được tiết lộ.
Bên cạnh vai trò tại ACIT, ông Phạm Đình Thắng còn là cổ đông sáng lập của Công ty Cổ phần Điện lực Khu vực 1 với 15% vốn, cùng với các doanh nhân trong ngành điện như ông Hồ Ngàn Chi và ông Đàm Thế Phương.
Ông Thắng cũng là nhà đầu tư chủ động trong nhiều lĩnh vực khác, điển hình như việc thế chấp 100.000 trái phiếu trị giá 10 tỷ đồng tại Vietcombank chi nhánh Hoàng Mai vào tháng 9/2022.
Đầu năm 2023, ông Thắng đã mua thêm 9,5 triệu cổ phiếu của CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HHV), nâng tỷ lệ sở hữu lên 5,62%, trở thành cổ đông lớn của công ty này. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau, vào cuối tháng 5/2023, ông chuyển nhượng một phần cổ phần cho vợ là bà Trần Thị Ngoan, giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 4,14% trong khi bà Ngoan nắm giữ 2,36%.