Ngôi làng ‘khoa bảng’ nghìn năm tuổi ở Việt Nam từng đứng top 3 cả nước về số lượng Tiến sĩ, là ‘cái nôi’ của những bậc hiền tài xuất chúng
(Thị trường tài chính) - Nơi đây bảo tồn những nét kiến trúc độc đáo pha trộn giữa Á và Âu, đồng thời là cái nôi nuôi dưỡng nhiều nhân tài xuất sắc.
Nằm giữa lòng quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, làng Đông Ngạc - hay còn gọi là làng Vẽ - không chỉ lưu giữ những nét văn hóa truyền thống đặc sắc mà còn tự hào với danh xưng làng khoa bảng. Đây là nơi sản sinh ra nhiều nhân tài hiển hách, từng góp phần làm rạng danh kinh thành Thăng Long.
Đông Ngạc (hay còn gọi là làng Vẽ) vẫn tồn tại một nét đẹp cổ kính, xưa cũ trước tốc độ đô thị hóa trên mảnh đất Hà thành ngày nay. Ảnh: Internet
Nhắc đến Đông Ngạc, người ta thường nhớ tới câu ngạn ngữ: “Đất Kẻ Giàn, quan Kẻ Vẽ” như một lời khẳng định về truyền thống khoa bảng lâu đời. Thời phong kiến, triều đình quy định rằng làng nào có từ 10 Tiến sĩ trở lên sẽ được phong danh hiệu “làng khoa bảng". Đông Ngạc, với 22 Tiến sĩ (21 Tiến sĩ văn và 1 Tiến sĩ võ), đã khẳng định vị thế của mình trong số khoảng 20 làng khoa bảng trên cả nước từ thời Lý (1010-1225) đến thời Nguyễn (1802-1945).
Nhiều ngôi nhà có lối kiến trúc hoài cổ, được xây dựng kỳ công và khéo léo. Ảnh: Báo Dân Trí
Người đầu tiên “mở khoa” ở Đông Ngạc là cụ Phan Phu Tiên, đỗ Tiến sĩ dưới triều Trần năm 1396. Sau đó, vào năm 1429, khi nhà Hậu Lê mở khoa thi Minh Kinh, cụ tiếp tục thi đỗ thêm một lần nữa, trở thành “Lưỡng triều Tiến sĩ” - một danh hiệu hiếm có trong lịch sử khoa bảng Việt Nam.
Cổng làng xóm 3 (Đông Ngạc) vẫn mang kiến trúc cũ. Ảnh: Báo Lao Động
Làng Đông Ngạc cũng nổi bật với dòng họ Phạm, nơi có tới 9 Tiến sĩ. Cụ Phạm Quang Mãn - một trong những nhân vật tiêu biểu của dòng họ - từng khiêm tốn thừa nhận với vua rằng thành tích của mình là nhờ công lao kèm cặp của cha.
Trường Tiểu học Đông Ngạc B là một công trình kiến trúc tiêu biểu của phong cách pha trộn Âu - Á còn khá nguyên bản tại làng Vẽ. Ảnh: Internet
Không chỉ là “đất học”, Đông Ngạc còn sản sinh ra nhiều nhân vật lịch sử có đóng góp to lớn cho đất nước. Cụ Đỗ Thế Giai là một ví dụ điển hình. Với danh hiệu “Đỗ Đại Vương”, cụ là một trong số ít vị quan được phong tước khi còn tại thế dưới triều vua Lê Cảnh Hưng. Nhà vua còn ban cho cụ bốn chữ “Thiết thạch tinh trung”, ngợi ca lòng trung kiên như sắt đá của ông. Sau khi qua đời, cụ được tôn làm Thượng đẳng phúc thần, trở thành niềm tự hào không chỉ của dòng họ mà cả dân làng Đông Ngạc.
Một bức tranh tường ghi lại cảnh vinh quy bái tổ, khắc họa truyền thống khoa bảng tại đường làng. Ảnh: Internet
Thêm vào đó, danh sách những người con ưu tú của làng còn có các sĩ phu yêu nước như Hoàng Tăng Bí, Tiến sĩ Phan Văn Trường, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Hoàng Minh Giám và nguyên Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm. Họ đã để lại dấu ấn lớn lao trong lịch sử dân tộc.
Kiến trúc tháp bút tại đình - biểu tượng của ngôi làng khoa bảng. Ảnh: Báo Đại Đoàn Kết
Tinh thần hiếu học của Đông Ngạc không chỉ được thể hiện qua thành tích khoa bảng mà còn in dấu trong từng nét kiến trúc làng quê. Hầu hết các cổng làng, cổng ngõ tại đây đều được trang trí bằng hình ảnh cuốn thư, quyển sách, nghiên bút - biểu tượng của tri thức và học vấn. Trên đó là những câu đối đầy ý nghĩa, khuyên răn con cháu chăm chỉ học hành, noi gương tổ tiên.
Một ngôi nhà cổ gần như bỏ hoang ở làng Đông Ngạc. Ảnh: Báo Dân Trí
Ông Phạm Quang Đại, một vị cao niên trong làng, cho biết ở Đông Ngạc, tinh thần hiếu học luôn được duy trì mạnh mẽ, khi một nhà học tốt thì các nhà khác cũng cố gắng, dòng họ này có người đỗ đạt thì dòng họ kia cũng quyết tâm không kém. Ông nhấn mạnh rằng truyền thống ấy đã được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Ông Lê Văn Châu - Phó Ban quản lý di tích đình Đông Ngạc kể câu chuyện về tiến sĩ của làng. Ảnh: Báo Đại Đoàn Kết
Một câu chuyện truyền cảm hứng tại làng kể về cụ Phạm Quang Trạch. Vì lòng ham học, cụ thường vừa đi vừa đọc sách, đến mức thân cây cau trong vườn nhà trở nên nhẵn bóng do ma sát với tay cụ. Những nỗ lực ấy là minh chứng rõ nét cho ý chí vươn lên của người dân Đông Ngạc.
Không chỉ tỏa sáng trong quá khứ, tinh thần hiếu học của Đông Ngạc còn được duy trì mạnh mẽ trong thời hiện đại. Hiện nay, làng có khoảng 100 người đạt học vị Tiến sĩ, nhiều người trong số đó giữ những vị trí quan trọng trong các lĩnh vực chính trị, khoa học và giáo dục.
Bia tiến sĩ làng Đông Ngạc. Ảnh: VOV
Làng Đông Ngạc với truyền thống khoa bảng hàng nghìn năm, không chỉ là biểu tượng của tri thức mà còn là minh chứng cho tinh thần vượt khó, ham học hỏi của con người Việt Nam. Đây không chỉ là niềm tự hào riêng của làng mà còn là nét đẹp văn hóa tiêu biểu của vùng đất Thăng Long - Hà Nội.