Cuộc sống ở thị trấn ‘gần bầu trời’ nhất thế giới ở độ cao 5.000m: 50.000 người ôm mộng 'đào vàng', tuổi thọ người dân chỉ vỏn vẹn 35 năm
(Thị trường tài chính) - Nằm ở độ cao hơn 5.000m so với mực nước biển, đây được coi là khu định cư cao nhất và nghèo đói, khắc nghiệt nhất thế giới.
La Rinconada - Thị trấn “gần bầu trời” nhất thế giới
Hơn 80 triệu người trên thế giới sinh sống ở độ cao ít nhất 2.500m so với mực nước biển, tập trung chủ yếu ở Nam Mỹ, Trung Á và Đông Phi. Một số khu định cư cao nhất bao gồm Wenquan (Thanh Hải, Trung Quốc) ở độ cao 4.870m và Korzok (Ấn Độ) ở độ cao 4.572m.
Tuy nhiên, cao hơn cả hai nơi này là La Rinconada, nằm trên đỉnh núi Andean thuộc dãy Andes ở Peru. Được biết đến là thị trấn cao nhất thế giới với độ cao từ 4.900-5.200m, thị trấn này có khoảng 50.000 cư dân sinh sống, theo Live Science.
Thành phố này trải qua phần lớn thời gian trong năm với nhiệt độ dưới 0 độ C. Việc tiếp cận nơi đây vô cùng gian nan khi con đường độc đạo duy nhất dẫn vào thành phố hiểm trở, trơn trượt và bao phủ bởi cỏ, đá cùng băng tuyết. Một chuyến hành trình đến đây có thể kéo dài nhiều ngày, đòi hỏi sự kiên nhẫn và sức bền từ du khách.
Với độ cao hơn 5.000m so với mực nước biển, không khí tại La Rinconada vô cùng loãng, gây khó thở cho du khách và người từ nơi khác. Ở độ cao chỉ 3.000m, hầu hết mọi người đã có thể gặp phải tình trạng "say độ cao" do thiếu oxy, nhưng cư dân nơi đây đã thích nghi với điều kiện khắc nghiệt này qua nhiều thế hệ.
Sự hẻo lánh khiến La Rinconada gần như vắng bóng du khách. Khu vực này thiếu hoàn toàn các cơ sở hạ tầng cơ bản như khách sạn hay bệnh viện. Chính quyền địa phương gần như không hiện diện, khiến cuộc sống của cư dân nơi đây càng trở nên bấp bênh.
Cuộc sống khắc nghiệt tại La Rinconada
Cuộc sống tại La Rinconada vô cùng khắc nghiệt: thiếu nước sạch, không có hệ thống cống rãnh và xử lý rác, thực phẩm phải nhập từ các khu vực thấp hơn. Điện chỉ được lắp đặt từ năm 2000. La Rinconada là điểm đến của những ai đặt cược vận may vào một thứ duy nhất: vàng. Sự gia tăng dân số tại La Rinconada phụ thuộc vào biến động giá vàng. Từ đầu những năm 2000, hàng nghìn người đã đổ về vùng đất này từ khắp Peru, hy vọng đổi đời. Thị trấn biệt lập nằm ở độ cao 5.182m, dưới chân ngọn núi La Bella Durmiente – “Người đẹp ngủ trong rừng” đầy bí ẩn. Đây được xem là khu dân cư cao nhất thế giới, nơi mỗi năm khai thác hơn 100 tấn vàng.
Công việc tại đây không chỉ gian khổ mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khôn lường. Các thợ mỏ thường làm việc không công trong 30 ngày cho các công ty nhượng quyền. Đổi lại, họ có cơ hội khai thác “tự do” cho bản thân trong những ngày tiếp theo. Nếu may mắn, họ có thể tìm thấy vàng và trở nên giàu có chỉ sau một đêm. Ngược lại, không ít người trở về tay trắng, thậm chí đánh mất nhiều thứ hơn cả những gì họ mang theo.
Cuộc sống tại La Rinconada không chỉ bị thử thách bởi khí hậu lạnh giá quanh năm, thị trấn còn chìm trong tình trạng ô nhiễm nặng nề. Rác thải vương vãi khắp nơi, trong khi nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm độc nghiêm trọng bởi thủy ngân – kim loại nặng được sử dụng trong quá trình khai thác vàng. Để tách vàng khỏi đá, người dân thường rửa đá bằng thủy ngân và nước lạnh chảy từ các dòng sông băng. Nguồn nước ô nhiễm này sau đó chảy xuống núi, lan rộng ra các hồ và sông, đe dọa hệ sinh thái cũng như sức khỏe con người.
Điều kiện sống khắc nghiệt đã khiến tuổi thọ trung bình của người dân nơi đây chỉ dao động từ 30-35 tuổi. Nguyên nhân chính đến từ các bệnh nghiêm trọng như nhiễm trùng đường hô hấp, tổn thương phổi do không khí loãng và ô nhiễm thủy ngân. Những vấn đề thần kinh như mất trí nhớ, dị tật bẩm sinh và bại liệt cũng xuất hiện ngày càng nhiều, thậm chí nhiều trường hợp tử vong sớm. Vì những điều này mà La Rinconada còn được mệnh danh là “thiên đường của quỷ”.
Bên cạnh các thợ mỏ chính thức, La Rinconada còn có một lực lượng lao động đặc biệt: những người phụ nữ được gọi là “pallaqueras”. Phần lớn họ là các bà mẹ đơn thân hoặc vợ của thợ mỏ, mỗi ngày đều mưu sinh giữa khói bụi và hóa chất độc hại. Họ theo dõi các xe tải chở đá thải từ mỏ, đổ xuống bãi rác lộ thiên, rồi chen chúc nhau tìm kiếm những mẩu đá có dấu hiệu chứa vàng, bất chấp nguy cơ bị quấy rối tình dục bởi những quản lý bãi thải.
Nếu may mắn tìm được đá có vàng, những người phụ nữ này sẽ tự nghiền đá thủ công và trộn với thủy ngân để tách vàng. Thành phẩm được đem đến các điểm thu mua, nơi vàng được xử lý qua đèn khò để thủy ngân bay hơi, để lại vàng nguyên chất. Tuy nhiên, quá trình này không chỉ nguy hiểm cho sức khỏe của họ mà còn góp phần gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Nhiều chủ mỏ không chính thức đưa vàng vào thị trường chợ đen và sử dụng giấy tờ hợp pháp để “rửa sạch” nguồn gốc của nó. Với các công ty thu mua xuất khẩu, họ thường chỉ yêu cầu giấy tờ chứng minh nguồn gốc mà không quan tâm liệu việc khai thác có tuân thủ quy định hay không.
Trong hai thập niên qua, Chính phủ Peru đã nỗ lực đưa hoạt động khai thác vàng vào khuôn khổ pháp luật thông qua quá trình “chính thức hóa”. Quá trình này nhằm đảm bảo các chủ mỏ và thợ mỏ tuân thủ các quy định về hành chính, lao động và môi trường. Tuy nhiên, việc triển khai gặp rất nhiều khó khăn và kéo dài do tình trạng khai thác trái phép ăn sâu vào đời sống kinh tế của khu vực.
Tổng hợp