Xuất khẩu Trung Quốc chật vật ‘tìm đường sống’ giữa vòng xoáy chiến tranh thương mại

Thanh Lê

(Thị trường tài chính) - Doanh nghiệp Trung Quốc đang gấp rút tìm hướng đi mới ngoài thị trường Mỹ.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang đẩy các doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc vào tình thế khó khăn khi Tổng thống Trump áp thuế bổ sung 10% lên hàng hóa nước này. 

Xuất khẩu Trung Quốc chật vật ‘tìm đường sống’ giữa vòng xoáy chiến tranh thương mại - ảnh 1
Một cảng ở Vu Hồ, tỉnh An Huy, Trung Quốc

Đối mặt với nhu cầu nội địa yếu và rào cản tại thị trường Mỹ, nơi họ xuất khẩu hơn 400 tỷ USD hàng hóa mỗi năm, các nhà sản xuất Trung Quốc buộc phải tìm kiếm thị trường thay thế tại châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh.

Jeremy Fang, nhân viên kinh doanh của một công ty sản xuất nhôm Trung Quốc, lo ngại xu hướng này sẽ dẫn đến cuộc chạy đua khốc liệt khi nhiều đối thủ cùng nhắm đến các thị trường mới. 

"Chiếc bánh chỉ có giới hạn, ai cũng muốn giành một phần nên cạnh tranh sẽ rất gay gắt", Fang nhận định và dự đoán công ty anh sẽ phải giảm giá, chấp nhận biên lợi nhuận thấp hơn.

Tuy nhiên, không quốc gia nào có sức tiêu thụ ngang Mỹ, điều này khiến lượng hàng xuất khẩu dư thừa của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới khó có thể được hấp thụ hoàn toàn.

Điều này sẽ làm trầm trọng thêm cuộc chiến giá cả giữa các nhà xuất khẩu Trung Quốc, ảnh hưởng đến lợi nhuận, đồng thời có nguy cơ gây phản ứng chính trị tại các thị trường mới và làm gia tăng áp lực giảm phát nếu biên lợi nhuận giảm dẫn đến mất việc làm, cắt giảm lương và giảm đầu tư.

Frederic Neumann, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á của HSBC, cho rằng việc mở rộng thị trường là một chiến lược dễ hiểu nhưng khó bền vững.

Xuất khẩu Trung Quốc chật vật ‘tìm đường sống’ giữa vòng xoáy chiến tranh thương mại - ảnh 2
Tỷ lệ xuất khẩu của một số quốc gia được chọn của Trung Quốc

"Một rủi ro là mọi nhà xuất khẩu Trung Quốc sẽ tìm đến cùng một thị trường", Neumann nói, đồng thời cảnh báo điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận. "Nhưng rủi ro thực sự là các quốc gia nhập khẩu có thể sẽ phải áp đặt biện pháp hạn chế đối với hàng hóa Trung Quốc để bảo vệ doanh nghiệp trong nước".

Thực tế, căng thẳng thương mại đã lan rộng khi EU tăng thuế đối với xe điện Trung Quốc, trong khi Ấn Độ, Indonesia và các thị trường mới nổi khác cũng dựng hàng rào bảo hộ.

"Chúng tôi có chuỗi cung ứng rất mạnh," nhà sản xuất các mặt hàng tiêu dùng tại Trung Quốc, cho biết. Ông đang tăng ngân sách quảng cáo và phát triển kinh doanh tại châu Âu và châu Á thêm 30-40%. "Từ ý tưởng đến sản xuất hàng loạt, mọi thứ diễn ra rất nhanh".

Xuất khẩu Trung Quốc chật vật ‘tìm đường sống’ giữa vòng xoáy chiến tranh thương mại - ảnh 3
Chỉ số khối lượng xuất khẩu và chỉ số giá xuất khẩu của Trung Quốc

Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ đang phải đối mặt với nguy cơ sống còn. Richard Chen, chủ nhà máy sản xuất đồ trang trí Giáng sinh ở miền nam Trung Quốc, cho biết ông gần như không có lợi nhuận và không chắc có thể giữ lại toàn bộ 80 nhân viên của mình trong năm nay.

"Chúng tôi đã thử mở rộng sang Ba Lan, nhưng họ không mua hàng như khách hàng Mỹ," Chen chia sẻ. "Tình hình chưa bao giờ tệ như bây giờ".

Hệ lụy trong nước

Cuộc chiến giá cả ở nước ngoài đang đẩy nhanh nguy cơ giảm phát tại Trung Quốc.

Tại một nhà máy sản xuất bồn tắm ở Thạch Gia Trang, cách Bắc Kinh 300km về phía Nam, một quản lý đang tìm cách mở rộng thị trường sang Brazil và Argentina để đối phó với mức thuế 35% tại Mỹ. 

Dù các nhà bán lẻ Mỹ đang gây sức ép giảm giá 10%, ông vẫn chần chừ vì đã phải cắt giảm lương nhân viên 10-15% để duy trì khả năng cạnh tranh.

"Có rất nhiều doanh nghiệp Trung Quốc trong cùng ngành này. Ai cũng đang rất khó khăn", ông nói, đề nghị giấu tên vì tính nhạy cảm của vấn đề.

Xuất khẩu Trung Quốc chật vật ‘tìm đường sống’ giữa vòng xoáy chiến tranh thương mại - ảnh 4
Chỉ số giá sản xuất và lợi nhuận công nghiệp của Trung Quốc tăng trưởng theo từng năm

Li Yongqi, quản lý công ty này, lo ngại việc cắt giảm lương và sa thải nhân công tại nhiều nhà máy, cộng với cuộc khủng hoảng bất động sản, sẽ làm suy giảm nhu cầu nội địa và khiến lợi nhuận công ty giảm 20-30%.

"Doanh nghiệp Trung Quốc trong mọi ngành đang ồ ạt ra nước ngoài, nhưng rồi các chính phủ nước ngoài lại áp thuế và lệnh trừng phạt," Li nói. "Hầu hết các nhà máy đều đang cắt giảm nhân sự để tiết kiệm chi phí".

Trước tình hình này, năm ngoái Bộ Chính trị Trung Quốc đã kêu gọi các ngành công nghiệp tránh cạnh tranh phá giá, trong khi các nhà sản xuất tấm pin mặt trời cũng đề nghị chính phủ can thiệp để kiểm soát tình trạng dư thừa công suất.

Alicia Garcia-Herrero, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Natixis, cho rằng cách duy nhất để Trung Quốc thoát khỏi tình trạng này là sản xuất ít hơn.

"Điều này sẽ rất đau đớn," bà nhận định. "Không ai có thể mua sản phẩm của bạn mãi mãi. Vì vậy, Trung Quốc cần lựa chọn: nếu muốn thúc đẩy phúc lợi và tăng trưởng, thì cần phải tiêu dùng nhiều hơn".

Neumann của HSBC cũng đồng tình rằng việc thúc đẩy tiêu dùng nội địa có thể giúp Trung Quốc giảm căng thẳng thương mại toàn cầu.

"Cuối cùng, để giảm xung đột thương mại với thế giới, Trung Quốc cần phát triển nhu cầu trong nước để hấp thụ một phần sản lượng dư thừa", ông nói.

Theo Reuters