Ukraine bị gạt ra khỏi bàn đàm phán, nguy cơ lớn xuất hiện khi ông Trump đảo lộn chính sách Mỹ - Nga?
(Thị trường tài chính) - Chính sách đối ngoại của Mỹ trong cuộc xung đột Nga-Ukraine đã có một bước chuyển đáng kể kể từ khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng.
Khác với cách tiếp cận cứng rắn của cựu Tổng thống Joe Biden, người từng đoàn kết với Kyiv, xây dựng liên minh châu Âu vững chắc và cô lập Moscow cả về kinh tế lẫn ngoại giao, người đứng đầu nước Mỹ hiện nay là ông Donald Trump đang có những động thái nhượng bộ đáng chú ý.

Ông Trump thay đổi chiến lược, Ukraine và NATO bị gạt sang một bên
Cuộc đàm phán đầu tiên giữa Mỹ và Nga tại Riyadh, diễn ra chỉ một tháng sau khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng, nhằm thảo luận về cuộc xung đột chết chóc nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II.
Đáng chú ý, Ukraine và các đối tác NATO đều không được mời tham dự, đi ngược lại chính sách trước đây của ông Biden: "Không có gì về Ukraine mà không có Ukraine”. Kyiv khẳng định họ sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào bị áp đặt mà không có sự đồng ý của mình.
Hai bên đã nhất trí thành lập các nhóm đàm phán cho những cuộc gặp tiếp theo và tìm cách khôi phục hoạt động bình thường của các phái bộ ngoại giao.
"Thật đáng lo ngại khi ông Trump đã đưa Nga từ vị thế 'bị cô lập' trở thành đối tác quan trọng chỉ trong vài ngày. Điều đó chắc chắn phải trả giá", Brett Bruen, cựu cố vấn chính sách đối ngoại dưới thời Obama, nhận định.
Trước cuộc đàm phán, ông Trump đã có những tuyên bố gây tranh cãi khi loại bỏ khả năng Ukraine gia nhập NATO và cho rằng Kyiv không thể giành lại 20% lãnh thổ đang bị Nga kiểm soát. Động thái này đã vấp phải sự chỉ trích từ các chính trị gia châu Âu, họ cho rằng đây là những nhượng bộ miễn phí dành cho Moscow và là hành động "xoa dịu" ông Putin.
Trước tình hình này, các chính phủ châu Âu đang xem xét khả năng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình để đảm bảo thực thi bất kỳ thỏa thuận nào về Ukraine. Mặc dù Trump không phản đối đề xuất này, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã bác bỏ khả năng NATO có mặt tại Ukraine, cho thấy Moscow có thể sẽ không chấp nhận một thỏa hiệp lớn nào trong tương lai gần.
Cuộc đàm phán giữa Mỹ và Nga diễn ra với sự chênh lệch rõ rệt về kinh nghiệm giữa hai bên.
Phía Nga có sự tham gia của những nhà ngoại giao kỳ cựu như Ngoại trưởng Lavrov và cố vấn Yuri Ushakov - những người đã nắm giữ vị trí của mình tổng cộng 34 năm. Ngược lại, phía Mỹ là 3 trợ lý mới nhậm chức chưa đầy một tháng là Ngoại trưởng Marco Rubio, Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz và Đặc phái viên Steve Witkoff.
"Đội ngũ của Mỹ gần như không có kinh nghiệm trong đàm phán cấp cao, không có chuyên môn về Ukraine và Nga, cũng như không biết ngôn ngữ của họ”, giáo sư Timothy Snyder, chuyên gia về Nga tại Đại học Yale, viết trên X.
Bruen thậm chí gọi đây là "giờ diễn tập của những kẻ nghiệp dư".
Mặc dù vậy, Brian Hughes, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng, khẳng định "đây là một đội ngũ mạnh mẽ đang thực hiện chiến lược hòa bình thông qua sức mạnh của Tổng thống”.
Sau cuộc đàm phán, Trump tỏ ra lạc quan và dự kiến sẽ gặp Putin trước cuối tháng.
"Nga muốn đạt được điều gì đó," Trump nói với phóng viên ở Palm Beach, Florida, hôm thứ Ba. Ông cũng bác bỏ lo ngại của Ukraine về việc bị gạt ra ngoài lề và cho rằng Kyiv đáng lẽ nên tham gia đàm phán sớm hơn.
Ngoại trưởng Rubio cũng phủ nhận việc loại bỏ bất kỳ bên nào khỏi quá trình đàm phán, nhưng chưa có thông tin rõ ràng về việc Ukraine sẽ được tham gia bằng cách nào.
Ukraine từ chối tham dự, căng thẳng gia tăng
Tuy nhiên, sự vắng mặt của Ukraine trong cuộc đàm phán đã gây ra nhiều tranh cãi. Tổng thống Zelenskiy thậm chí đã hoãn chuyến thăm Ả Rập Xê Út để tránh vô tình "hợp thức hóa" các cuộc đàm phán này.
Căng thẳng leo thang khi có thông tin về một dự thảo thỏa thuận trong đó Mỹ đề xuất nắm giữ 50% nguồn khoáng sản quan trọng của Ukraine để đổi lấy viện trợ quân sự. Một số người chỉ trích chính quyền Trump đã so sánh điều này với hành động "tống tiền".
Emma Ashford, chuyên gia tại Viện Stimson ở Washington, cho rằng việc giới hạn phạm vi đàm phán lúc này có thể là quyết định hợp lý của chính quyền Trump.
"Việc Ukraine không có mặt trong phòng họp chắc chắn không lý tưởng, nhưng tôi tin rằng họ sẽ tham gia vào các cuộc họp tiếp theo. Tuy nhiên, nếu để quá nhiều đối tác châu Âu tham gia, mọi chuyện có thể trở nên phức tạp hơn," bà nói.
Dù vậy, nghị sĩ Jake Auchincloss, đồng chủ tịch nhóm nghị sĩ ủng hộ Ukraine tại Hạ viện Mỹ, cảnh báo rằng Nga đã giành chiến thắng trong vòng đàm phán đầu tiên.
"Điện Kremlin đã được bình thường hóa trong đối thoại song phương, trong khi Ukraine và NATO bị gạt ra ngoài. Và họ không phải nhượng bộ điều gì để đạt được điều đó," ông nói với Reuters.
Các chuyên gia và quan chức tình báo phương Tây đều tỏ ra hoài nghi về thiện chí của Nga. Họ cho rằng Putin vẫn không thay đổi mục tiêu ban đầu, vẫn quyết tâm giữ những vùng lãnh thổ đã chiếm đóng và có tham vọng mở rộng ảnh hưởng vào châu Âu.
Darius Jauniškis, Giám đốc Cục An ninh Quốc gia Lithuania, thẳng thắn nhận định ”ông Putin không thực sự muốn kết thúc chiến tranh”.
Thượng nghị sĩ Roger Wicker của Mỹ cũng cảnh báo rằng chỉ có thể tin tưởng Nga sẽ làm những gì có lợi cho họ và sẵn sàng thực hiện các động thái tạm thời để đạt được mục đích.
Theo Reuters