Trung Quốc đẩy mạnh phong trào ứng dụng AI trong các cơ quan nhà nước

Vũ Bấc

(Thị trường tài chính) - Các thành phố Trung Quốc tổ chức nhiều buổi đào tạo về việc tích hợp mô hình AI DeepSeek vào hệ thống hành chính công trực tuyến, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý cấp địa phương.

Làn sóng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đang lan rộng trong các cơ quan chính quyền Trung Quốc, với DeepSeek dẫn đầu xu hướng chuyển đổi số tại nhiều thành phố lớn. Động thái này được xem như một bước đi chiến lược nhằm cạnh tranh với các đối thủ Mỹ như OpenAI.

Theo Nanfang Daily - cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh Quảng Đông, lãnh đạo thành phố Chu Hải gần đây đã tổ chức họp để nghe báo cáo về nhà sáng lập DeepSeek Lương Văn Phong, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của chính quyền địa phương với startup AI này.

Tại Quảng Đông, ba thành phố trọng điểm là Thâm Quyến, Quảng Châu và Đông Quan đã tích hợp công nghệ DeepSeek vào hệ thống hành chính công. Đáng chú ý, Quảng Châu đã triển khai các mô hình AI R1 và V3 trên cổng thông tin điện tử, nhằm nâng cao hiệu quả giải thích chính sách, xử lý đường dây nóng và cải thiện quy trình làm việc nội bộ.

Trong khi đó, Thâm Quyến - trung tâm công nghệ hàng đầu Trung Quốc - đã tiên phong triển khai toàn diện mô hình AI DeepSeek trong mọi cơ quan nhà nước thông qua nền tảng đám mây bảo mật. Theo Tân Hoa Xã đưa tin ngày 16/2, thành phố đã tổ chức đào tạo quy mô lớn để hướng dẫn cán bộ sử dụng công nghệ mới này.

GS. Hu Guoqing từ Đại học Bắc Kinh tại Thâm Quyến nhận định, việc ứng dụng AI sẽ góp phần đáng kể trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ công tại địa phương.

Theo truyền thông địa phương, các quan chức cấp cao tại Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam, đã tham dự một buổi đào tạo về trí tuệ nhân tạo (AI) vào ngày 15/2. Chương trình do một chuyên gia AI từ Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, chủ trì.

Tại sự kiện, Bí thư Thành ủy Trịnh Châu - An Vĩ nhấn mạnh tầm quan trọng của AI trong công tác điều hành. Ông kêu gọi đảng viên và cán bộ "nghiên cứu sâu và nắm vững việc sử dụng các mô hình AI như DeepSeek", đồng thời tận dụng tối đa công nghệ này để hỗ trợ ra quyết định, phân tích và giải quyết vấn đề, theo báo chí chính thức của thành phố.

Ông An cũng đề xuất các quan chức khai thác AI để thúc đẩy “chuyển đổi và phát triển” của Trịnh Châu.

Các chương trình đào tạo tương tự đã được tổ chức tại Tô Châu, thành phố phía đông gần Thượng Hải, và Đại Liên, thành phố ven biển phía đông bắc.

Trong khi đó, mô hình R1 của DeepSeek đã được tích hợp vào các hệ thống dịch vụ chính quyền trực tuyến tại các thành phố Vô Tích, Cám Châu và thủ phủ Hohhot của khu tự trị Nội Mông, theo truyền thông địa phương. Ủy ban Đảng thành phố Cám Châu tuyên bố trên mạng xã hội rằng DeepSeek sẽ “trở thành trợ lý hiệu quả trong công tác chính quyền.”

Vào tháng 1/2025, DeepSeek đã thu hút sự chú ý của giới công nghệ toàn cầu với hai mô hình AI đột phá: mô hình ngôn ngữ lớn V3 ra mắt vào tháng 12 và mô hình suy luận R1 công bố . Những mô hình này được đánh giá có hiệu suất ngang ngửa với các chatbot hàng đầu do OpenAI và Google phát triển, nhưng có chi phí đào tạo thấp hơn đáng kể.

Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của DeepSeek đã làm dấy lên lo ngại về kiểm duyệt và các lệnh cấm tại một số quốc gia, bao gồm Mỹ, Ý, Úc và Hàn Quốc.

Công ty khởi nghiệp này cũng nhận được sự ủng hộ từ các quan chức cấp cao Trung Quốc. Tại Hội nghị An ninh Munich diễn ra vào ngày 14/2, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã thử trích dẫn một số câu tục ngữ và đoạn văn học Trung Quốc, đồng thời đề nghị khán giả tìm kiếm sự hỗ trợ từ DeepSeek để hiểu các cụm từ khó dịch.

Trước đó, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông Hoàng Côn Minh, thành viên Bộ Chính trị Trung Quốc, đã ca ngợi DeepSeek vì "dũng cảm đối đầu với các gã khổng lồ AI Mỹ". 

Tại một hội nghị ngày 6/2, Bí thư khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trần Cương, kêu gọi đẩy nhanh việc xây dựng "Quảng Tây số", nhấn mạnh rằng "mọi thứ đều có thể trong kỷ nguyên AI" và lấy DeepSeek làm ví dụ tiêu biểu.

Tham khảo South China Morning Post (SCMP)