HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Từ tháng 7, người đủ 75 tuổi có thể nhận trợ cấp hưu trí 500.000 đồng mỗi tháng

Thái Hà

(Thị trường tài chính) -Mức trợ cấp hưu trí này được áp dụng từ ngày 1/7, theo đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Bảo hiểm xã hội về hưu trí xã hội đang được lấy ý kiến. Theo dự thảo, đối tượng và điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội được quy định chi tiết tại Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2024.

Chính sách này áp dụng cho công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên, không nhận lương hưu hoặc trợ cấp BHXH hàng tháng. Riêng đối với người thuộc hộ nghèo và cận nghèo, độ tuổi áp dụng được giảm xuống từ đủ 70 đến dưới 75 tuổi. Để nhận trợ cấp, người cao tuổi cần làm đơn đề nghị kèm xác nhận của UBND xã, phường hoặc thị trấn nơi cư trú.

Nếu người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội đồng thời thuộc nhóm nhận trợ cấp hàng tháng thì được hưởng khoản cao hơn. Người hưởng khi qua đời được hỗ trợ mai táng phí 10 triệu đồng. Nếu trước ngày 1/7 mà người già đã đủ 75 tuổi thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ thời điểm trên, nếu chưa thì hưởng kể từ lúc đủ tuổi. Thời điểm hưởng áp dụng tương tự với người thuộc diện nghèo, cận nghèo đủ 70 tuổi.

Từ tháng 7, người đủ 75 tuổi có thể nhận trợ cấp hưu trí 500.000 đồng mỗi tháng - ảnh 1

Dự kiến mức trợ cấp hưu trí xã hội là 500.000 đồng/tháng. Ảnh minh họa

Tiền hưởng đề xuất mỗi tháng 500.000 đồng, bằng với chuẩn trợ giúp xã hội hiện hành để đồng bộ chính sách chung và phù hợp điều kiện kinh tế xã hội, cân đối ngân sách Nhà nước. 

Với mức hỗ trợ này, kinh phí thực hiện ước tính hơn 9.040 tỷ đồng mỗi năm và tổng kinh phí cho giai đoạn 2025-2030 là 40.500 tỷ đồng. Theo ước tính, khoảng 1,5 triệu người từ đủ 75 đến 80 tuổi sẽ thuộc diện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, phần lớn người cao tuổi tại Việt Nam không có lương hưu hoặc trợ cấp BHXH, khiến họ gặp nhiều khó khăn và phụ thuộc vào con cái. Tính đến cuối năm 2022, cả nước có khoảng 14,4 triệu người thuộc độ tuổi nghỉ hưu (nữ từ 55 tuổi trở lên, nam từ 60 tuổi trở lên). Trong đó, chỉ 35% (tương đương 5,1 triệu người) nhận lương hưu, trợ cấp BHXH hoặc trợ cấp hàng tháng, còn lại 65% (khoảng 9,3 triệu người) chưa được bao phủ bởi các chính sách an sinh.

Việc hạ độ tuổi nhận trợ cấp hưu trí từ 80 xuống 75 sẽ giúp nhiều người cao tuổi không chỉ nhận được hỗ trợ tài chính hàng tháng mà còn được cấp thẻ BHYT để khám chữa bệnh, qua đó giảm bớt gánh nặng chi phí và cải thiện chất lượng cuộc sống.