Việt Nam đón 16 tỷ USD kiều hối, một địa phương quen thuộc vẫn dẫn đầu dòng chảy kiều hối
(Thị trường tài chính) - Năm 2024, Việt Nam tiếp tục duy trì lượng kiều hối ấn tượng với 16 tỷ USD, trong đó TP. Hồ Chí Minh đóng góp gần 9,6 tỷ USD, chiếm tỷ trọng lớn nhất cả nước.
Nguồn kiều hối là dòng vốn tài chính quan trọng
Trong năm 2024, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam ước đạt khoảng 16 tỷ USD, giữ vững mức tăng trưởng so với năm trước, cho thấy sự tin tưởng mạnh mẽ của người Việt Nam ở nước ngoài vào sự ổn định kinh tế vĩ mô, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ.
Tại buổi gặp gỡ đại biểu tiêu biểu người Việt Nam ở nước ngoài và thảo luận Đề án “Chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn TPHCM từ nay đến năm 2030”, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách TPHCM - Hà Phước Thắng khẳng định, nguồn kiều hối không chỉ là dòng vốn tài chính quan trọng mà còn là cầu nối tri thức, công nghệ và văn hóa, góp phần đưa vị thế của quốc gia lên tầm cao mới.
Năm 2024, riêng lượng kiều hối chuyển về TPHCM đạt gần 9,6 tỷ USD trong tổng số 16 tỷ USD của cả nước, đóng góp thiết thực vào các lĩnh vực công nghiệp, bất động sản và dịch vụ.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, hơn 82% lượng kiều hối đổ về từ châu Á và châu Mỹ, với mức tăng trưởng ổn định qua các năm. Theo ông, thành công này đến từ sự đồng bộ trong các chính sách thu hút kiều hối của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, cũng như môi trường đầu tư minh bạch, thuận lợi.
Ngân hàng tăng tốc cho mùa kiều hối dịp Tết
Những ngân hàng thương mại cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy mạnh lượng kiều hối đổ về. Ông Trịnh Hoài Nam, Giám đốc Công ty Kiều hối Vietcombank chia sẻ, doanh số kiều hối của công ty trong năm 2024 đạt khoảng 1,9 tỷ USD, chiếm gần 28% tổng lượng kiều hối cả nước. Vietcombank đã đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ ngân hàng số, mở rộng các kênh chuyển tiền trực tuyến và xây dựng hệ thống an toàn, tiện lợi, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của kiều bào.
Tương tự, Sacombank cũng đạt được kết quả ấn tượng với doanh số kiều hối lên đến 3,7 tỷ USD, trong đó riêng TPHCM chiếm khoảng 3 tỷ USD. Ông Trần Minh Khoa, Tổng Giám đốc Công ty Kiều hối Sacombank cho biết, việc chuyển tiền qua ứng dụng ngân hàng hiện đại đã trở thành lựa chọn phổ biến nhờ tính tiện lợi và bảo mật cao. Tuy nhiên, ngân hàng cũng cần đẩy mạnh quảng bá để tiếp cận nhiều hơn đến các đối tượng khách hàng tiềm năng.
Bên cạnh đó, các ngân hàng đang tích cực chuẩn bị cho mùa kiều hối sôi động dịp Tết Nguyên đán, thời điểm quan trọng nhất trong năm đối với nguồn kiều hối. Việc nâng cấp dịch vụ, tăng cường mạng lưới đối tác quốc tế và tạo ra các sản phẩm tài chính phù hợp với kiều bào đang được các ngân hàng đẩy mạnh, nhằm gia tăng tính cạnh tranh và hiệu quả trong việc thu hút nguồn lực này.
Nhằm hoàn thiện Đề án phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối đến năm 2030, bà Trần Tuệ Tri, kiều bào Singapore cho rằng, cần phân loại đối tượng thụ hưởng như kiều bào, doanh nghiệp và du học sinh để có phương thức tiếp cận phù hợp. Bà cũng đề xuất thu hút sự tham gia của các tổ chức tư nhân trong lĩnh vực tài chính, công nghệ và viễn thông, giúp phát triển các sản phẩm sáng tạo đáp ứng nhu cầu của kiều bào.
Còn theo ông Trần Văn Tâm, một kiều bào Mỹ cho rằng, các dự án lớn như metro cần nguồn vốn rất lớn, do đó cần chính sách cụ thể về chuyển đổi số trong ngành xây dựng để tạo điều kiện cho kiều bào đầu tư. Ông cũng đề xuất phát hành trái phiếu theo từng hạng mục cụ thể, giúp kiều bào hiểu rõ lĩnh vực mà họ đầu tư, tăng tính minh bạch và hiệu quả.
Trong lĩnh vực công nghệ, ông Henry Bùi Xuân Hoàng mong muốn TPHCM tạo điều kiện để doanh nghiệp mang tiền, công nghệ và tri thức về xây dựng quê hương. Ông đề nghị cần có cơ chế ghi nhận đóng góp của kiều bào, thúc đẩy hợp tác trong các dự án đổi mới sáng tạo và phát triển công nghệ cao.