HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Từ tháng 2/2025, 4 chính sách giáo dục này chính thức có hiệu lực

Thái Hà

(Thị trường tài chính) -Thanh tra việc quản lý dạy thêm, học thêm; giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh… sẽ có hiệu lực từ tháng này.

Thanh tra việc quản lý dạy thêm, học thêm 

Ngày 31/12/2024, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 28/2024/TT-BGDĐT quy định nội dung thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục và thanh tra nội bộ trong cơ sở giáo dục.

Điều 7 Thông tư 28/2024/TT-BGDĐT quy định về nội dung thanh tra chuyên ngành đối với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên, gồm:

- Ban hành văn bản, quy định quản lý nội bộ và phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng bộ máy tổ chức; thực hiện các quy định về công khai trong lĩnh vực giáo dục; công tác kiểm tra nội bộ và việc thực hiện các quy định về tổ chức và hoạt động theo Điều lệ, Quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục.

- Thực hiện quy chế chuyên môn, thực hiện nội dung, phương pháp giáo dục; việc quản lý, lựa chọn, sử dụng sách giáo khoa, tài liệu giáo dục, thiết bị dạy học và đồ chơi trẻ em.

- Thực hiện quy chế tuyển sinh, quản lý, giáo dục người học và các chế độ, chính sách đối với người học, quản lý cấp phát văn bằng.

- Công tác xã hội hóa giáo dục, quản lý dạy thêm, học thêm.

- Các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục; chấp hành quy định về kiểm định chất lượng giáo dục.

- Thực hiện quy định về thu, quản lý, sử dụng học phí, các nguồn lực tài chính khác.

- Công khai trong hoạt động của cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo quy định của Bộ GD&ĐT.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Thông tư 28/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành từ ngày 10/2/2025.

Ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc 

Từ năm 2025, ngoại ngữ sẽ trở thành môn thi tự chọn thay vì là môn bắt buộc như những năm trước. Quy định này được nêu trong Thông tư 24/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về Quy chế thi tốt nghiệp THPT, có hiệu lực từ ngày 8/2/2025.

Từ tháng 2/2025, 4 chính sách giáo dục này chính thức có hiệu lực - ảnh 1

So với kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, từ kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, thí sinh không còn phải thi ngoại ngữ là môn bắt buộc. Ảnh minh họa

Năm nay, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức kỳ thi gồm 3 buổi thi: Một buổi thi môn ngữ văn; một buổi thi môn toán; một buổi thi của bài thi tự chọn gồm 2 môn thi trong số các môn vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ định hướng công nghiệp, ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Đức, tiếng Nhật và tiếng Hàn)...

Thay đổi khi thi tuyển sinh vào lớp 10

Ngày 30/12/2024, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 30/2024/TT-BGDĐT quy định về quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT.

Theo đó, số môn thi, bài thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm 2025 sẽ gồm: Toán, Ngữ văn và 1 môn thi hoặc bài thi thứ ba do Sở GD&ĐT lựa chọn 1 trong 2 phương án sau:

- Môn thi thứ ba được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, bảo đảm không chọn cùng một môn thi thứ ba quá 3 (ba) năm liên tiếp

- Bài thi thứ ba là bài thi tổ hợp của một số môn học được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS.

Đối với các trường THPT trực thuộc Bộ GD&ĐT, các trường đại học, viện nghiên cứu có tổ chức thi tuyển riêng, môn thi hoặc bài thi thứ ba sẽ do Bộ GD&ĐT hoặc đơn vị chủ quản quyết định.

Thông tư 30/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực từ 14/2/2025.

Dạy thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh

Quy định đó được nêu tại Thông tư số 29/2024 của Bộ GD&ĐT quy định về dạy thêm, học thêm, có hiệu lực từ 14/2/2025.

Từ tháng 2/2025, 4 chính sách giáo dục này chính thức có hiệu lực - ảnh 2

Từ 14/2, giáo viên dạy thêm ngoài trường học phải đăng ký kinh doanh. Ảnh minh họa

Cụ thể, tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại nơi cơ sở dạy thêm đặt trụ sở về các môn học được tổ chức dạy thêm; thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm

Người dạy thêm ngoài nhà trường phải bảo đảm có phẩm chất đạo đức tốt; có năng lực chuyên môn phù hợp với môn học tham gia dạy thêm.

Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với hiệu trưởng hoặc giám đốc hoặc người đứng đầu nhà trường về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm (theo mẫu).

Việc thanh tra học thêm, dạy thêm sẽ bắt đầu từ ngày 10/2 khi Thông tư 28/2024 của Bộ GD&ĐT quy định nội dung thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục và thanh tra nội bộ trong cơ sở giáo dục, có hiệu lực.

Việc thanh tra còn tập trung vào các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục; chấp hành quy định về kiểm định chất lượng giáo dục; thực hiện quy định về thu, quản lý, sử dụng học phí, các nguồn lực tài chính khác…