HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Loạt chính sách về kinh tế có hiệu lực từ tháng 2/2025

Lệ Giang (t/h)

(Thị trường tài chính) - Loạt chính sách liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, đối tượng đăng ký thuế, hướng dẫn về xử lý tiền giả, tiền nghi giả,… sẽ có hiệu lực từ tháng 2/2025.

Vi phạm hành chính trong kinh doanh bảo hiểm bị phạt tới 200 triệu đồng

Chính phủ ban hành Nghị định số 174/2024/NĐ-CP ngày 30/12/2024 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2/2025.

Nghị định này quy định hành vi vi phạm hành chính, hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc và hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện; hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; đối tượng bị xử phạt; thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh và thẩm quyền lập biên bản đối với vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.

Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, tổ chức, cá nhân bị áp dụng hình thức xử phạt chính là phạt tiền.

Mức xử phạt bằng tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân cho cùng hành vi vi phạm. Mức phạt tiền đối với cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm tối đa là 100 triệu đồng, đối với tổ chức tối đa là 200 triệu đồng.

Đối tượng đăng ký thuế

Bộ Tài chính ban hành Thông tư 86/2024/TT-BTC ngày 23/12/2024 quy định về đăng ký thuế.

Trong đó, Điều 4 Thông tư 86/2024/TT-BTC quy định về đối tượng đăng ký thuế như sau:

- Đối tượng đăng ký thuế bao gồm:

+ Người nộp thuế thuộc đối tượng thực hiện đăng ký thuế thông qua cơ chế một cửa liên thông theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 30 Luật Quản lý thuế.

+ Người nộp thuế thuộc đối tượng thực hiện đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 30 Luật Quản lý thuế.

- Người nộp thuế thuộc đối tượng thực hiện đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế, bao gồm:

+ Doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực chuyên ngành không phải đăng ký doanh nghiệp qua cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật chuyên ngành (sau đây gọi là Tổ chức kinh tế).

+ Đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế của lực lượng vũ trang, tổ chức kinh tế của các tổ chức chính trị, chính trị-xã hội, xã hội, xã hội-nghề nghiệp hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật nhưng không phải đăng ký doanh nghiệp qua cơ quan đăng ký kinh doanh…

Thông tư có hiệu lực từ ngày 6/2/2025.

Loạt chính sách về kinh tế có hiệu lực từ tháng 2/2025 - ảnh 1
Thông tư 86/2024/TT-BTC ngày 23/12/2024 quy định về đăng ký thuế

Hướng dẫn về xử lý tiền giả, tiền nghi giả

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Thông tư số 58/2024/TT-NHNN hướng dẫn về xử lý tiền giả, tiền nghi giả trong ngành ngân hàng. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 14/2/2025.

Thông tư nêu rõ, trong giao dịch tiền mặt với khách hàng, khi phát hiện tiền nghi giả, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tạm thu giữ và lập biên bản theo mẫu. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày tạm thu giữ, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải chuyển hồ sơ giám định đến Ngân hàng Nhà nước chi nhánh trên địa bàn hoặc Sở giao dịch để giám định.

Đặc biệt, Thông tư 58/2024/TT-NHNN cũng nêu rõ, cá nhân có yêu cầu giám định tiền giả, tiền nghi giả phải lập 01 bộ hồ sơ đề nghị giám định và nộp trực tiếp đến Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch, Cục Phát hành và Kho quỹ tại Hà Nội hoặc Hồ Chí Minh. Hồ Sơ bao gồm: Giấy đề nghị giám định tiền giả, tiền nghi giả; hiện vật là tiền giả, tiền nghi giả cần giám định; sau tối đa 02 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành giám định, cơ quan giám định sẽ thông báo kết quả bằng văn bản cho người đề nghị giám định. Việc giám định tiền giả, nghi tiền giả là miễn phí.

Chính sách giá điện và giá dịch vụ về điện

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua Luật Điện lực (sửa đổi), thay thế cho Luật Điện lực năm 2004 và có hiệu lực từ 1/2/2025; trong đó khoản 12 Điều 5 nêu rõ về chính sách giá điện và giá dịch vụ về điện.

Theo đó, chính sách giá điện và giá dịch vụ về điện phải bảo đảm phản ánh chi phí hoạt động sản xuất, kinh doanh điện hợp lý, hợp lệ của đơn vị điện lực; tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển điện lực có lợi nhuận hợp lý, tiết kiệm tài nguyên năng lượng, sử dụng các dạng năng lượng tái tạo, năng lượng mới trong hoạt động điện lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh đó, giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết giá của Nhà nước phù hợp với cấp độ thị trường điện cạnh tranh; giá điện bảo đảm khuyến khích sử dụng điện có hiệu quả và tiết kiệm.

Cùng với đó là thực hiện cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hợp lý và giảm dần, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng không tham gia thị trường bán lẻ điện cạnh tranh khi chưa đủ điều kiện tham gia hoặc không lựa chọn tham gia mua bán điện trên thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Đồng thời giảm dần, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, vùng, miền phù hợp với cấp độ thị trường điện cạnh tranh.

Loạt chính sách về kinh tế có hiệu lực từ tháng 2/2025 - ảnh 2
Giá điện bảo đảm khuyến khích sử dụng điện có hiệu quả và tiết kiệm

Hỗ trợ sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật

Chính phủ ban hành Nghị định số 9/2025/NĐ-CP ngày 10/1/2025 quy định về chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật. Nghị định có hiệu lực từ ngày 25/2/2025.

Chính sách hỗ trợ áp dụng cho cá nhân, hộ gia đình, trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác và các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân (trừ doanh nghiệp thuộc lực lượng vũ trang) có hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối bị ảnh hưởng bởi thiên tai hoặc dịch hại thực vật.

- Mức hỗ trợ đối với cây trồng bị thiệt hại:

Đối với cây lúa, được hỗ trợ từ 3 - 10 triệu đồng/ha, tùy theo mức độ thiệt hại và thời gian gieo trồng; cây mạ, thiệt hại trên 70% được hỗ trợ 30 triệu đồng/ha, thiệt hại từ 30 - 70% hỗ trợ 15 triệu đồng/ha; cây trồng hàng năm được hỗ trợ từ 3 - 15 triệu đồng/ha, tùy vào giai đoạn sinh trưởng; cây trồng lâu năm được hỗ trợ từ 6 - 30 triệu đồng/ha, tùy theo mức độ thiệt hại và thời kỳ sinh trưởng.

- Mức hỗ trợ đối với lâm nghiệp bị tổn hại: Cây rừng và lâm sản ngoài gỗ được hỗ trợ từ 4 - 15 triệu đồng/ha; rừng giống và vườn cây giống hỗ trợ từ 10 - 60 triệu đồng/ha, tùy nhóm cây và mức độ thiệt hại.

- Mức hỗ trợ đối với thủy sản bị thiệt hại: Nuôi thủy sản trong ao, đầm, hồ được hỗ trợ 60 triệu đồng/ha diện tích nuôi bị thiệt hại; nuôi thủy sản trong bể, lồng được hỗ trợ 30 triệu đồng/100m³ thể tích nuôi; nuôi theo hình thức khác được hỗ trợ 15 triệu đồng/ha.

- Mức hỗ trợ đối với vật nuôi bị thiệt hại: Gia cầm được hỗ trợ 15.000 - 45.000 đồng/con, tùy theo độ tuổi; lợn, bò, trâu được hỗ trợ từ 500.000 - 12 triệu đồng/con, tùy loại vật nuôi và độ tuổi; hươu, dê, đà điểu được hỗ trợ 1 - 2,5 triệu đồng/con.

- Mức hỗ trợ sản xuất muối bị ảnh hưởng: Thiệt hại trên 70% được hỗ trợ 4 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30 - 70% được hỗ trợ 3 triệu đồng/ha...

Hình thức hỗ trợ có thể bằng tiền hoặc hiện vật như cây giống, con giống, vật tư sản xuất với giá trị tương đương mức hỗ trợ tiền mặt tại thời điểm nhận hỗ trợ. Chính sách này nhằm giúp nông dân khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội và phục hồi nền kinh tế nông nghiệp sau thiên tai, dịch hại.