Huy động tên lửa xây cầu ‘trên mây’ cao hơn 560m, trị giá hơn 2.100 tỷ đồng, được ví như ‘kỳ quan’ kĩ thuật nhân loại
(Thị trường tài chính) - Dự án được khởi công từ năm 2004, hoàn thành vào tháng 10/2008 với tổng vốn đầu tư 618 triệu nhân dân tệ.
Trung Quốc không chỉ gây ấn tượng với những công nghệ tiên tiến trong xây dựng, mà còn nổi tiếng với hệ thống giao thông hiện đại khiến thế giới ngỡ ngàng. Trong đó, cầu Siduhe là một công trình "khổng lồ" chứng minh sự phát triển vượt bậc của hệ thống cầu đường quốc gia.
Khai trương vào ngày 15/11/2009, cầu Siduhe là cây cầu thứ ba của Trung Quốc trong vòng chưa đầy 10 năm nhận danh hiệu "cầu cao nhất thế giới". Cây cầu băng qua thung lũng Siduhe, thuộc huyện Ba Đông, tỉnh Hồ Bắc, và là một phần quan trọng trong tuyến cao tốc Tây Hương dài 2.175km, kết nối Thượng Hải, Trùng Khánh và Thành Đô.
Cầu Siduhe cao đến mức đối thủ gần nhất ở Mexico thấp hơn tới 100m và cao hơn cầu Royal Gorge ở Colorado (Mỹ) hơn 200m. Tính đến năm 2016, đây vẫn là cây cầu treo cao nhất thế giới, với mặt cầu cách đáy thung lũng hơn 560m, tương đương tòa nhà 200 tầng.
Cầu Siduhe có kết cấu treo với tháp hình chữ H bằng bê tông, hệ thống cáp chủ và dây treo đặc biệt. Toàn bộ câu cấu dài 1.222m, bao gồm 16.129 dây thép loại 5,1mm. Dự án được khởi công từ năm 2004, hoàn thành vào tháng 10/2008 với tổng vốn đầu tư 618 triệu nhân dân tệ (gần 2.100 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại).
Quá trình xây dựng cầu Siduhe gặp rất nhiều thách thức, đặc biệt là việc làm thế nào để đặt hai đầu dây cáp bắt qua thung lũng sâu. Với độ dốc trung bình trên 70°, có nơi lên đến 90°, xe kéo cáp không thể triển khai, trực thăng làm việc cũng tiềm ẩn nguy cơ cao do điều kiện thời tiết khó lường.
Trong bối cảnh bí bách, một kỹ sư đã đề xuất phương án sử dụng tên lửa đẩy của quân đội để kéo dây cáp qua hẻm núi. Ban đầu, ý tưởng này gây tranh cãi vì quá "điên rồ". Tuy nhiên, sau khi xem xét tất cả các lựa chọn khác, nhóm thi công quyết định thử nghiệm.
Dưới sự hỗ trợ của quân đội, dây cáp được buộc vào một tên lửa nhỏ. Sau hai lần bắn thử, tên lửa đã thành công đưa dây cáp sang bờ bên kia. Toàn bộ quá trình chỉ diễn ra trong hơn 10 giây, gây chấn động cả thế giới lúc bấy giờ. Kể từ đó, phương pháp này được đặt tên là "phương pháp xây cầu tên lửa", trở thành một bước đột phá mang tính lịch sử trong kỹ thuật xây dựng cầu treo.
Không chỉ là một công trình giao thông quan trọng, cầu Siduhe còn trở thành một biểu tượng của sự phát triển vượt bậc trong hạ tầng cầu đường của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Nhiều chuyên gia đánh giá đây là một trong những kỳ tích đáng ngưỡng mộ nhất của ngành xây dựng cầu đường.
Ngoài giá trị kỹ thuật, cầu Siduhe còn mang đến những trải nghiệm ấn tượng cho du khách. Đứng trên cầu, du khách có thể chiêm ngưỡng khung cảnh hùng vĩ của sông Sidu cũng như cảm giác như đang "trôi giữa mây trời" khi di chuyển ở độ cao không tưởng.
Theo Baidu News