HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Từ ngày 15/11, Luật sư xúc phạm Thẩm phán, Kiểm sát viên… có bị xử phạt đến 30 triệu đồng

Thái Hà

(Thị trường tài chính) - So với Nghị định 82/2020, Nghị định mới bổ sung phạt tiền với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 117/2024 sửa đổi, bổ sung Nghị định 82/2020 về xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/11.

Cụ thể, liên quan đến hành vi vi phạm quy định đối với hoạt động hành nghề Luật sư, so với Nghị định 82/2020, Nghị định mới bổ sung quy định phạt tiền từ 15-30 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Như vậy, Luật sư trong quá trình hành nghề nếu có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng như Thẩm phán, Kiểm sát viên, Thư ký tòa án... sẽ bị phạt đến 30 triệu đồng.

Từ ngày 15/11, Luật sư xúc phạm Thẩm phán, Kiểm sát viên… có bị xử phạt đến 30 triệu đồng - ảnh 1

Luật sư xúc phạm những người tiến hành tố tụng có thể bị phạt tiền đến 30 triệu đồng. Ảnh minh họa

Đây cũng là nội dung đã được quy định tại điều 15 Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH15 xử phạt VPHC đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

Theo Nghị định 117, trường hợp Luật sư thực hiện hành vi vi phạm quy định nêu trên đối với người có thẩm quyền hoặc những người khác thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của tòa án thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 3 điều 15 và khoản 3 điều 21 Pháp lệnh số 02/2022/UBTVQH15.

Luật sư phải ứng xử tại phiên tòa như thế nào?

Theo Thư viện Pháp luật, Quy tắc 27 Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 201/QĐ-HĐLSTQ năm 2019 quy định Luật sư phải ứng xử tại phiên tòa như sau:

- Luật sư phải chấp hành nội quy phiên tòa, nội quy phòng xử án, tuân theo sự điều khiển của chủ tọa và hội đồng xét xử; tôn trọng người tiến hành tố tụng, Luật sư đồng nghiệp và những người tham gia tố tụng khác; có thái độ ứng xử đúng mực khi tranh tụng tại phiên tòa; có thiện chí, hợp tác khi giải quyết các tình huống phát sinh ảnh hưởng đến trật tự hoặc tiến trình giải quyết vụ việc tại phiên tòa.

- Trong luận cứ bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, Luật sư phải tôn trọng sự thật khách quan, đưa ra những tài liệu, chứng cứ pháp lý giúp cho việc giải quyết vụ án được khách quan, đúng pháp luật.

- Trước những hành vi sai trái, thái độ thiếu tôn trọng Luật sư hay khách hàng của Luật sư tại phiên tòa cũng như trong quá trình tố tụng, Luật sư luôn giữ bình tĩnh và thực hiện quyền kiến nghị, yêu cầu thỏa đáng, hợp lệ, đúng pháp luật.

Ứng xử của Luật sư trong quan hệ với các cơ quan Nhà nước 

Theo Quy tắc 29 Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 201/QĐ-HĐLSTQ năm 2019 quy định ứng xử của Luật sư trong quan hệ với các cơ quan Nhà nước khác như sau:

- Khi tiếp xúc, làm việc với các cơ quan Nhà nước khác với tư cách đại diện ngoài tố tụng, Luật sư tư vấn hoặc thực hiện dịch vụ pháp lý khác cho khách hàng, Luật sư phải tuân thủ quy định của pháp luật, nội quy, quy định của cơ quan Nhà nước và quy định phù hợp của Chương IV Bộ Quy tắc này.

- Trong quan hệ với cơ quan Nhà nước khác để thực hiện công việc cho khách hàng, Luật sư cần có thái độ lịch sự, tôn trọng, kiên quyết từ chối những hành vi móc nối, trung gian trái pháp luật, trái đạo đức và lương tâm nghề nghiệp.

- Luật sư có nghĩa vụ giải thích cho khách hàng các quy định pháp luật về khiếu nại, tố cáo; khuyến nghị khách hàng tránh việc khiếu nại, tố cáo trái pháp luật, gây tốn kém thời gian, tiền bạc của Nhà nước, người dân và ảnh hưởng đến quản lý Nhà nước về trật tự an toàn xã hội.