Ông Hoàng Nam Tiến: Thế hệ trước có thể ‘cần cù bù thông minh’, nhưng giờ AI và robot thế hệ mới có thể thay thế dễ dàng
(Thị trường tài chính) - Ông Tiến cho biết phần lớn giới trẻ vẫn chưa khám phá được tiềm năng vì họ dễ dàng thỏa hiệp với thất bại và bỏ cuộc sau vấp ngã.
Trong bối cảnh công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI) đang phát triển với tốc độ chóng mặt, ông Hoàng Nam Tiến, Phó chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT, nhấn mạnh rằng người làm chủ được AI sẽ là những nhà lãnh đạo của tương lai. Tại chương trình FPT Leader Talk - Journey To Your Future với chủ đề “Biến tiềm năng thành tài năng” diễn ra vào ngày 30/10, ông Tiến chia sẻ những quan điểm sâu sắc về tầm quan trọng của việc hiểu và ứng dụng AI trong học tập và công việc.
Theo ông Hoàng Nam Tiến, hiện nay nhiều bạn trẻ chưa khám phá được hết tiềm năng của mình vì dễ dàng chấp nhận thất bại và thiếu kiên trì sau những vấp ngã đầu tiên. Điều này, theo ông, là lý do khiến gần 90% sinh viên sau khi tốt nghiệp trở thành những cá nhân bình thường trong thời đại AI. Chỉ có khoảng 10% sinh viên có thể bứt phá, xây dựng năng lực vượt trội và nổi bật nhờ sự kiên trì, nỗ lực không ngừng, sáng tạo và tinh thần học tập suốt đời.
Vậy câu hỏi đặt ra: Chuyện gì sẽ xảy ra với những người bình thường? Theo ông Tiến, những người này sẽ chịu áp lực rất lớn. Trong khi trước đây, thế hệ cũ có thể "cần cù bù thông minh", tức là nếu thiếu điểm mạnh về trí tuệ, trình độ chuyên môn, người ta có thể làm việc cần cù để bù đắp. Tuy nhiên, trong thời đại AI và robot hiện nay, những công việc đòi hỏi sự cần mẫn và tự lặp lại đã có thể dễ dàng bị thay thế.
Báo cáo “Tương lai việc làm 2023” (The Future of Jobs Report 2023) của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã dự báo rằng trong vòng 5 năm tới, thị trường lao động sẽ mất đi 23% tổng số việc làm hiện tại. Theo báo cáo, khoảng 69 triệu việc làm mới sẽ được tạo ra, nhưng đồng thời 83 triệu việc làm sẽ biến mất. Điều này cho thấy sự thay đổi mạnh mẽ trong cơ cấu công việc và sự cần thiết phải thích nghi.
Ông Tiến cũng chia sẻ về những thay đổi to lớn trong ngành công nghệ và giáo dục từ thập niên 90 đến nay. Khi ông tốt nghiệp Đại học Bách Khoa vào năm 1993, số người biết lập trình trên toàn quốc chỉ đếm trên đầu ngón tay, không đến 1.000 người. Hiện nay, riêng Tập đoàn FPT đã có tới gần 30.000 người làm việc trong lĩnh vực lập trình và phát triển phần mềm.
"Nghề ngày xưa chưa phổ biến thì giờ phổ biến. Tôi cũng rất lo lắng không biết 10 năm nữa nghề coding và testing còn tồn tại hay không. Giờ các bạn làm kiểm thử đã nhận thấy rõ áp lực rồi", Phó Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH FPT nói.
Trong bối cảnh này, ông Hoàng Nam Tiến khuyến khích sinh viên thay đổi cách học, từ việc nghe giảng thụ động sang tự học và tự nghiên cứu thông qua sự hỗ trợ từ thầy cô, đồng nghiệp, bạn bè và đặc biệt là công cụ AI. AI không chỉ tạo ra nhiều cơ hội mới để phát triển mà còn thử thách khả năng sử dụng đúng đắn và hiệu quả của mỗi cá nhân.
Ông Tiến khẳng định, AI không cướp đi việc làm của người trẻ, mà chính những người biết cách sử dụng AI mới làm điều đó. Do đó, thế hệ làm chủ được công nghệ và AI sẽ được trọng dụng và vươn lên trở thành những nhà lãnh đạo trong tương lai.
Tại phần hỏi đáp, ông Nguyễn Thế An - kỹ sư nghiên cứu AI tại FPT Software AI Center và Thủ khoa đầu ra của Đại học Bách Khoa Hà Nội với điểm GPA 4.0/4.0 – đã gửi gắm đến hơn 1.000 sinh viên tham dự lời khuyên quý báu: “Các bạn sinh viên nên cân bằng giữa việc học và việc làm phù hợp với năng lực của bản thân. Ngay từ năm 3, các bạn nên chọn tham gia lab nghiên cứu hoặc thực tập tại doanh nghiệp đầu ngành để khám phá điểm mạnh, điểm yếu và sự phù hợp, giúp định hướng đúng nghề nghiệp sau này”.
Lời chia sẻ của các chuyên gia không chỉ là lời nhắc nhở mà còn là nguồn cảm hứng để sinh viên nỗ lực hơn trong hành trình học tập và làm việc, từng bước làm chủ AI và hướng đến xây dựng sự nghiệp vững chắc trong kỷ nguyên số.