HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Phát hiện thành phố cổ bị ‘chôn vùi’ dưới tán rừng rậm: Hơn 6.600 công trình được khai quật, ước tính niên đại hàng trăm năm sau Công nguyên

Hải Châu

(Thị trường tài chính) - Phát hiện này mở ra cánh cửa mới cho khảo cổ học, hé lộ thành phố cổ Maya ‘núp’ mình dưới rừng rậm Mexico.

Theo nguồn tin từ truyền thông quốc tế, một sinh viên sau đại học đã vô tình phát hiện ra một thành phố cổ Maya rộng lớn bị chôn vùi dưới rừng rậm Mexico trong khi phân tích dữ liệu từ máy bay không người lái. Thành phố "bí ẩn" từng bị che phủ hàng thế kỷ thuộc bang Campeche, gần vịnh Mexico. Theo nghiên cứu đăng tải vào tháng 10/2024 trên tạp chí Antiquity, khu vực này có diện tích lớn gấp 1,5 lần thủ đô Washington, D.C., Hoa Kỳ.

Phát hiện thành phố cổ bị ‘chôn vùi’ dưới tán rừng rậm: Hơn 6.600 công trình được khai quật, ước tính niên đại hàng trăm năm sau Công nguyên - ảnh 1

Nhiều công trình kiến trúc cổ đại được phát hiện đang "ẩn mình" dưới khu rừng rậm rạp ở gần Calakmul, Mexico. Ảnh: NBC News

Nhiều phát hiện bất ngờ về thành phố "núp" dưới rừng rậm

Các nhà khoa học đã xác định được hơn 6.674 công trình cổ trong khu vực, bao gồm cả các kim tự tháp giống với những di tích nổi tiếng ở Chichén Itzá tại Yucatan, Mexico và Tikal, thành phố Maya cổ trong rừng Guatemala. Phát hiện này được ghi nhận nhờ Luke Auld-Thomas, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Tulane, khi anh vô tình phát hiện dữ liệu trong lúc tìm kiếm trên Internet, theo lời Giáo sư Marcello Canuto.

Phát hiện thành phố cổ bị ‘chôn vùi’ dưới tán rừng rậm: Hơn 6.600 công trình được khai quật, ước tính niên đại hàng trăm năm sau Công nguyên - ảnh 2

Nền văn minh Maya nổi tiếng với các kim tự tháp xếp tầng. Ảnh: Reuters

Dữ liệu thu thập bởi một nhóm nghiên cứu mô hình sử dụng đất, đã được giải mã nhờ công nghệ LiDAR - công nghệ dùng xung ánh sáng để đo đạc và lập bản đồ địa hình. LiDAR hiện là công cụ đắc lực trong khảo cổ học, giúp các nhà nghiên cứu “xuyên” qua tán rừng để khám phá các công trình kiến trúc ẩn giấu bên dưới. Qua việc phân tích bản đồ LiDAR, Auld-Thomas đã nhận diện thành phố cổ Valeriana, đặt tên theo một hồ nước ngọt gần đó.

Phát hiện thành phố cổ bị ‘chôn vùi’ dưới tán rừng rậm: Hơn 6.600 công trình được khai quật, ước tính niên đại hàng trăm năm sau Công nguyên - ảnh 3

Phiến đá từ bàn thờ được tìm thấy trong thành phố cổ Ocomtun. Ảnh: Reuters

Ước tính, vào thời kỳ hoàng kim, Valeriana từng là nơi cư ngụ của 30.000 - 50.000 người. Tuy nhiên, thành phố có thể đã suy tàn vào khoảng năm 800 - 1.000 Công nguyên do nhiều yếu tố, trong đó có biến đổi khí hậu. Giáo sư Canuto cho biết, khí hậu thay đổi gây áp lực nặng nề lên cư dân và ảnh hưởng đến sự ổn định của hệ thống xã hội, đặc biệt khi dân số ngày càng đông đúc trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt.

Công nghệ LiDAR - Cuộc cách mạng hóa trong nghiên cứu khảo cổ

Trong thập kỷ qua, LiDAR đã tạo ra bước đột phá lớn trong khảo cổ học, đặc biệt tại những khu vực rừng rậm rậm rạp. Nhờ khả năng khám phá những tầng lớp lịch sử vốn khó tiếp cận, LiDAR giúp các nhà khoa học phát hiện những công trình kiến trúc bị lãng quên, mở ra cơ hội nghiên cứu sâu hơn về các nền văn minh cổ đại.

Phát hiện thành phố cổ bị ‘chôn vùi’ dưới tán rừng rậm: Hơn 6.600 công trình được khai quật, ước tính niên đại hàng trăm năm sau Công nguyên - ảnh 4

Công nghệ LiDAR được coi như một cuộc cách mạng hóa trong nghiên cứu khảo cổ. Ảnh: Sưu tầm

LiDAR hoạt động bằng cách phát các xung laser xuyên qua tán rừng, ghi lại chi tiết địa hình bên dưới. Giáo sư Canuto gọi đây là một hình thức “phá rừng kỹ thuật số”, cho phép lập bản đồ mà không làm ảnh hưởng tới cảnh quan tự nhiên. Nhờ công nghệ này, bản đồ của thành phố Valeriana đã được tạo ra dù chưa ai từng đặt chân tới. Dù người dân địa phương có thể đã thấy một số gò đất lớn, chưa có hình ảnh nào ghi lại quy mô của thành phố bị lãng quên này.

Phát hiện thành phố cổ bị ‘chôn vùi’ dưới tán rừng rậm: Hơn 6.600 công trình được khai quật, ước tính niên đại hàng trăm năm sau Công nguyên - ảnh 5

LiDAR hoạt động bằng cách phát các xung laser xuyên qua tán rừng, ghi lại chi tiết địa hình bên dưới. Ảnh: Sưu tầm

Giáo sư Canuto nhận định rằng, phát hiện này cho thấy nhiều khu vực có giá trị lịch sử phong phú hơn so với những gì từng biết. Ông bày tỏ hy vọng rằng phát hiện này sẽ thúc đẩy thêm nhiều nghiên cứu thực địa và các dự án lập bản đồ bằng drone trong tương lai. Ông chia sẻ rằng sẽ rất tuyệt vời nếu diện tích đất được khảo sát bằng LiDAR tăng gấp đôi trong vòng 10 - 20 năm tới.