HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Ông Hoàng Nam Tiến: Rất đáng tiếc khi một đứa trẻ được đánh giá theo tiêu chí phải giỏi văn, giỏi toán, đó là bước vào đời với sự thua thiệt

Manh Lan

(Thị trường tài chính) - “Càng ngớ ngẩn hơn nếu lấy tiêu chí giỏi toán hay giỏi văn để đánh giá toàn bộ năng lực một con người. Điểm số không phải là tất cả” - ông viết.

Trong thế giới giáo dục ngày nay, câu chuyện về việc khai thác và phát huy tiềm năng cá nhân không còn xa lạ. Tuy nhiên, việc áp dụng những lý thuyết này vào thực tế để tạo ra sự thay đổi bền vững luôn là thách thức lớn. Ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT, đã có những chia sẻ sâu sắc về vấn đề này qua lời giới thiệu cuốn sách "Biến tiềm năng thành tài năng" (Hidden Potentinal) của tác giả Adam Grant.

"Chúng ta thường không nhận ra tiềm năng của rất nhiều người và của cả chính chúng ta", ông Tiến nhận định. Thông qua cuốn sách, ông đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc thay đổi cách nhìn nhận và đánh giá năng lực con người trong hệ thống giáo dục và quản lý hiện nay.

“Đọc Biến tiềm năng thành tài năng, tôi được dịp chiêm nghiệm lại kiến thức và trải nghiệm của mình, đồng thời có rất nhiều khám phá mới. Tôi đã hiểu sâu sắc hơn về việc mỗi cá nhân đều sở hữu các tiềm năng phát triển riêng. Tiềm năng phát triển của chúng ta phần nhiều đều ở dạng “đầu chờ”, thường không hiển lộ ra thành những kết quả rõ ràng, tựa như những viên ngọc ẩn trong đá đang chờ được phát lộ.

Ông Hoàng Nam Tiến: Rất đáng tiếc khi một đứa trẻ được đánh giá theo tiêu chí phải giỏi văn, giỏi toán, đó là bước vào đời với sự thua thiệt - ảnh 1

Cùng với đó, nếu muốn tiềm năng trở thành năng lực rồi thành tài năng thì bắt buộc chúng ta phải trải qua quá trình kiên trì rèn luyện, nỗ lực vượt qua cảm giác khó chịu một cách có chủ đích, cộng với việc gặp những người hướng dẫn tận tâm và có hệ thống hỗ trợ phù hợp”, ông Tiến nhận định trong lời giới thiệu cuốn sách "Biến tiềm năng thành tài năng. 

Không chỉ dừng lại ở lý thuyết, ông Tiến cũng chia sẻ về hành trình cá nhân của mình từ thuở thơ bé: “Cuốn sách khiến tôi nhớ lại ngày bé chúng tôi đã bị đối xử thiên lệch như thế nào. Mỗi đứa chúng tôi đều có những thế mạnh riêng, có đứa rất giỏi đá bóng, đứa thì đặc biệt có khả năng cảm thụ âm thanh, màu sắc, có thể hát rất hay, vẽ rất đẹp, thậm chí viết tay trái tốt… Thế nhưng rất đáng tiếc chúng tôi lại được đánh giá theo tiêu chí phải giỏi văn, giỏi toán. Đã có rất nhiều đứa trẻ bước vào đời với sự thua thiệt như vậy. 

Tôi nhớ hồi mới học cấp 1, khi xét học bạ vào các lớp chuyên của trường Trưng Vương, cô Phương - cô giáo dạy Toán ngày ấy, một cách rất cá nhân, đã giúp đỡ tôi vào lớp chọn Toán, dù khi ấy tôi đã vào diện “suýt trượt”. Sau này tôi có hỏi vì sao cô làm vậy? Cô nói rằng cô nhìn ra năng lực học tập và tố chất của tôi, và việc mất đi một học sinh tốt chỉ vì chưa đủ điểm thì thật đáng tiếc. 

Quyết định của cô ngày hôm ấy đã tạo ra sự thay đổi lớn với cuộc đời tôi sau này, khi tôi được học đúng môn học sở trường, có tuổi thơ đầy kỷ niệm với trường lớp, bè bạn và tạo đà cho sự nghiệp của mình sau này. Tôi tin rằng các bạn sẽ tìm ra nhiều điểm bất ngờ và thú vị như vậy cho chính mình, vì học tập luôn là việc ta sẽ làm suốt đời, dù ta có làm việc ở lĩnh vực nào, sống ở giai đoạn nào trong đời”.

Ông Hoàng Nam Tiến: Rất đáng tiếc khi một đứa trẻ được đánh giá theo tiêu chí phải giỏi văn, giỏi toán, đó là bước vào đời với sự thua thiệt - ảnh 2

Ông Tiến tiếp tục với những trải nghiệm tương tự về vấn đề tiềm năng và tài năng của mỗi người khi trở thành sinh viên lớp chuyên Toán tại trường chuyên Hà Nội Amsterdam: “Một cách chủ quan, suốt thời tuổi trẻ chúng tôi thường tự cho mình thuộc nhóm những người giỏi nhất của thế hệ. Cho đến khi trưởng thành, bước ra cuộc đời tôi mới hiểu ra niềm kiêu hãnh đó đôi khi thật ngớ ngẩn, càng ngớ ngẩn hơn nếu lấy tiêu chí giỏi toán hay giỏi văn để đánh giá toàn bộ năng lực một con người. 

Khi làm việc, bước vào vị trí quản lý, quản trị rồi lãnh đạo, tôi mới nhận thức sâu sắc việc nhìn ra tiềm năng về năng lực và phẩm chất của mỗi cá nhân quan trọng như thế nào đối với việc phát triển tổ chức, và mình cần làm gì, hỗ trợ họ ra sao để tổ chức liên tục tăng trưởng. Tôi buộc phải trang bị cho mình một tư duy và góc nhìn khác về năng lực con người. Điểm số không phải là tất cả”.

Qua cuốn sách, ông Tiến còn truyền tải thông điệp về tầm quan trọng của việc học tập suốt đời. "Tôi tin rằng đó là một kiến thức nền quan trọng mà bất kỳ ai cũng cần có để tự vạch ra hành trình phát triển bản thân", ông nói. Từ đó, ông gợi mở về việc mỗi người cần phải được trang bị một tư duy và góc nhìn khác về năng lực con người, từ việc phát hiện đến cách thức hỗ trợ để tiềm năng có thể được biến thành tài năng thực sự.

Theo ông, những người quản lý giáo dục và lãnh đạo doanh nghiệp đều nên đọc cuốn sách này để có thể tạo ra một môi trường học tập và làm việc khuyến khích sự phát triển cá nhân.

"Không chỉ tại FPT mà ở bất kỳ tổ chức nào, khi giá trị, bản sắc riêng được tôn trọng, khi năng lực của mỗi cá nhân công nhận, được tạo điều kiện để phát triển thì chúng ta sẽ có một tập thể rất đặc biệt, liên tục có sự phát triển ấn tượng, đột phá. Khi ấy những từ ngữ đẹp đẽ như “bay cao”, “vươn xa”, “tỏa sáng” sẽ không còn là khẩu hiệu mà thực sự trở thành hiện thực", ông nhấn mạnh.