Lòng hồ thủy lợi đẹp như mơ giữa trùng điệp núi non: Trải dài đến 30km, dung tích chứa lớn gấp 25 lần hồ Tây
(Thị trường tài chính) - Với diện tích bề mặt hơn 26 km2, hồ thủy lợi này có dung tích gần 250 triệu m3, nằm giữa vùng núi non trùng điệp của hai tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn.
Từ hồ thủy lợi lâu đời
Hệ thống thủy lợi Cầu Sơn – Cấm Sơn tại Bắc Giang được người Pháp đầu tư xây dựng từ năm 1902 và hoàn thành vào năm 1908. Ban đầu, hệ thống này cấp nước tưới tự chảy cho 5.500 ha đất trồng lúa ở các vùng Phủ Lạng Thương, Vôi và Kép, chính thức khai thác từ vụ chiêm năm 1909. Nhờ hệ thống tưới, diện tích canh tác liên tục tăng giúp nông dân trồng hai vụ lúa thay vì một vụ bấp bênh trước kia.
Năm 1914, kênh tưới chính được mở rộng, nâng diện tích đất nông nghiệp được tưới lên 7.500 ha. Báo cáo năm 1925 cho thấy thuế thu từ vùng tưới tăng gấp 3 lần, từ 16.583 đồng lên 49.121 đồng (tiền Đông Dương).
Năm 1965, Nhà nước xây hồ chứa Cấm Sơn trên sông Hóa để đảm bảo nguồn nước tưới cho hệ thống. Các tuyến kênh và công trình phụ trợ cũng được xây dựng để mở rộng diện tích canh tác. Hệ thống Cầu Sơn - Cấm Sơn hiện cấp nước cho 24.100 ha đất canh tác tại các huyện Lạng Giang, Lục Nam, Lục Ngạn, Yên Dũng và TP. Bắc Giang.
Ngoài nhiệm vụ tưới tiêu, hệ thống còn tiêu nước cho 69.922 ha lưu vực, phát điện, cung cấp nước cho sản xuất công nghiệp và sinh hoạt như nhà máy Parium và xí nghiệp gạch ngói Tân Xuyên.
Hồ chứa nước Cấm Sơn nằm trên sông Hóa (một nhánh của sông Thương) tại xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, được khởi công từ tháng 2/1966 và hoàn tất tích nước vào cuối tháng 7/1969. Đến năm 1974, công trình đầu mối hồ Cấm Sơn cùng các hạng mục thủy lợi được chính thức đưa vào khai thác.
Hiện tại, hồ Cấm Sơn nằm ở vùng núi của huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) và một phần nhỏ thuộc địa phận huyện Hữu Lũng và Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn) có diện tích mặt nước hơn 2.500 ha. Hồ không chỉ là công trình thủy lợi quan trọng, cung cấp nước tưới cho hàng ngàn ha lúa mà còn là nguồn sinh kế cho hơn một nghìn hộ dân ven hồ.
Vào mùa mưa, diện tích hồ có thể mở rộng lên tới 3.000ha, với chiều dài gần 30km nơi rộng nhất đạt 7km và nơi hẹp nhất chỉ 200 m. Dung tích 250 triệu m3 của hồ Cấm Sơn lớn gấp khoảng 8 lần hồ Đại Lải (Vĩnh Phúc) và gấp khoảng 25 lần hồ Tây (Hà Nội). Hồ có độ sâu tối đa 47m và được bao quanh bởi những ngọn núi trùng điệp. Cư dân sống ven hồ chủ yếu là người Nùng, Tày và Kinh.
Trở thành địa điểm du lịch thú vị
Không chỉ phục vụ tưới tiêu và sản xuất nông nghiệp, hồ Cấm Sơn trong những năm gần đây đã trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn cho du khách đến thăm vùng Bắc Giang và Lạng Sơn.
Khi đến hồ Cấm Sơn, du khách có cơ hội ngồi thuyền khám phá vẻ đẹp hoang sơ của lòng hồ. Cảm giác chòng chành ban đầu khi bước xuống thuyền nhanh chóng tan biến, nhường chỗ cho niềm hứng thú khi khung cảnh mở rộng trước mắt.
Không chỉ ngắm cảnh, du khách còn được lắng nghe những câu chuyện huyền thoại từ người dân địa phương, với những giai thoại thú vị về núi Ba Hòn, suối Cấm, suối Mọc... Những câu chuyện mang màu sắc kỳ bí khiến khung cảnh thiên nhiên, từ các dãy núi đến khu rừng bao quanh hồ, trở nên sống động và đầy sức cuốn hút.
Buổi sáng sớm là thời điểm lý tưởng nhất để chiêm ngưỡng hồ Cấm Sơn. Ánh nắng sớm chiếu trên mặt hồ gợn sóng lấp lánh, vài chiếc thuyền nan nhẹ nhàng lướt qua, tạo nên một khung cảnh yên bình mà quyến rũ. Bất chợt, lòng người như chùng xuống, văng vẳng đâu đó câu hát “Thuyền ta ngược, thuyền ta xuôi, giữa dòng nước bạc, nhịp chèo ta bơi…” của nhạc sĩ Phó Đức Phương, mang đến cảm giác bâng khuâng và hoài niệm.
Đặc biệt, hồ Cấm Sơn còn đem đến nguồn lợi cá tôm ổn định cho nhân dân sống quanh lòng hồ. Những năm gần đây, cuộc sống của cư dân tại bốn xã vùng lòng hồ, gồm Cấm Sơn, Hộ Đáp, Sơn Hải và Tân Sơn, đã có những bước cải thiện đáng kể.
Để khai thác tiềm năng của vùng lòng hồ, đề án hỗ trợ người dân đã được triển khai. Cùng với đó, hạ tầng khu vực hồ Cấm Sơn đang được đầu tư đồng bộ hơn từ các cấp chính quyền.
Theo Cổng TTĐT tỉnh Bắc Giang, trong Quy hoạch xây dựng Vùng huyện Lục Ngạn đến năm 2040, khu vực hồ Cấm Sơn được xác định là phân vùng 2 – trung tâm sinh thái và cộng đồng. Vùng này sẽ phát triển thành đô thị với các dịch vụ sinh thái gắn liền với cảnh quan hồ, đồng thời mở rộng du lịch, dịch vụ cộng đồng và sản xuất nông - lâm sản.
Với định hướng này, hồ Cấm Sơn sẽ nhận được sự đầu tư lớn hơn, khai thác triệt để tiềm năng, góp phần phát triển kinh tế và nâng cao đời sống của người dân khu vực.