Loại ‘rừng vàng’ nổi giữa đại dương là nỗi khiếp sợ của thủy thủ, phát triển nhanh đến mức có thể phá vỡ hệ sinh thái của một vùng biển
(Thị trường tài chính) - Với tốc độ phát triển mạnh mẽ, loại tảo này có thể bao phủ một diện tích khổng lồ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển.
Loại tảo được ví như “rừng vàng” giữa đại dương
Tảo Sargassum, còn được gọi là tảo mơ, là một loại tảo lớn với sắc nâu vàng đặc trưng, thường tạo thành các khối dày đặc nổi trên mặt biển, tạo nên một hệ sinh thái đặc biệt. Với màu vàng nổi bật và quy mô lớn, những dải tảo mơ này được ví như "rừng vàng" giữa lòng đại dương.
Loài tảo này có tốc độ phát triển nhanh chóng ở các vùng biển, tăng trưởng từ 2-3cm mỗi ngày và có thể kéo dài thêm hơn 20m trong một năm. Nhờ vào quy mô và tốc độ phát triển mạnh mẽ này, những khối tảo Sargassum bao phủ một diện tích khổng lồ, thậm chí bằng tổng diện tích của cả Pháp và Tây Ban Nha cộng lại.
Các khối tảo mơ không chỉ cung cấp nơi trú ẩn mà còn là nguồn thức ăn, nơi đẻ trứng và hành lang di cư quan trọng cho nhiều loài sinh vật biển. Đáng chú ý, cá chình châu Âu – một loài đang gặp nguy cấp – tìm đến các vùng tập trung tảo mơ để sinh sản. Ngoài ra, nhiều loài cá voi như cá nhà táng và cá voi lưng gù cũng di chuyển qua các khu vực này trong hành trình vượt đại dương.
Với khả năng sinh trưởng nhanh và tập trung với mật độ cao, tảo mơ có thể thay đổi mạnh mẽ môi trường biển xung quanh. Biển Sargasso, được đặt tên theo loại tảo này, là một ví dụ điển hình về một hệ sinh thái đặc biệt, nơi tảo mơ đóng vai trò chính trong việc định hình và duy trì sự cân bằng sinh thái của vùng biển.
Thay đổi cả "tính chất" của vùng biển
Theo IFL Science, biển Sargasso là một khu vực đặc biệt không được bao quanh bởi bờ biển mà thay vào đó, ranh giới của nó được xác định bởi các dòng hải lưu. Nằm phía đông Hoa Kỳ, ở trung tâm lưu thông của Bắc Đại Tây Dương, vùng biển này có chiều dài khoảng 2.000 hải lý và rộng 1.000 hải lý, với tổng diện tích hơn 4,5 triệu km2.
Biển Sargasso được bao bọc bởi bốn dòng hải lưu chính của Bắc Đại Tây Dương: dòng hải lưu Bắc Đại Tây Dương ở phía bắc, dòng Canary ở phía đông, dòng xích đạo Bắc Đại Tây Dương ở phía nam và dòng Antilles ở phía tây. Sự kết hợp của các dòng chảy này tạo thành một vòng hải lưu khép kín, do tác động của gió và vòng quay Trái Đất, hình thành nên một vùng nước "đặc biệt" nằm giữa đại dương mênh mông.
Nước ở biển Sargasso có đặc tính lặng sóng quanh năm, dòng chảy chậm và rất ít sự pha trộn giữa các tầng nước, khiến quá trình tái tạo chất dinh dưỡng ở tầng mặt diễn ra rất chậm.
Tuy nhiên, khi tảo mơ phát triển quá mức ở khu vực này, chúng có thể gây ra những tác động tiêu cực đến các loài sinh vật biển do làm cản trở ánh sáng mặt trời, gây khó khăn cho việc di chuyển và hô hấp của nhiều loài. Do vậy, sinh vật phù du ở khu vực này rất ít, dẫn đến việc các loài cá lớn và động vật biển phụ thuộc vào sinh vật phù du hầu như không thể sinh tồn.
Những yếu tố kể trên khiến vùng biển này hiếm khi có sự xuất hiện của các loài sinh vật biển phổ biến như ở những vùng biển khác. Chỉ một số ít loài có khả năng thích nghi cao như rùa biển, cá voi và một số loại cá mới có thể sinh sống tại đây. Các loài sinh vật tồn tại ở biển Sargasso thường có hình dạng và màu sắc đặc trưng, tạo nên nét độc đáo riêng cho khu vực này.
Sinh vật biển tại Sargasso đã phát triển thành một quần xã sinh thái độc đáo, phụ thuộc nhiều vào tảo sargassum và các loại rong biển khác. Nếu quần xã tảo sargassum chịu tác động lớn, hệ sinh thái tại vùng biển này có nguy cơ bị suy thoái nghiêm trọng.
Nỗi "khiếp sợ" hệ sinh thái và con người
Đối với con người, tảo sargassum đã từ lâu gây ra cảm giác "khiếp sợ". Nhà thám hiểm Columbus từng ghi lại trong nhật ký năm 1492 về lần đoàn thám hiểm của ông gặp phải một dải tảo mơ khổng lồ. Chiếc tàu Santa Maria của họ mắc kẹt trong khối tảo giữa đại dương suốt 3 ngày do vùng biển không có gió
Kể từ đó, các thủy thủ, dù là những người có kinh nghiệm nhất, cũng luôn e ngại nguy cơ tàu bị vướng vào tảo và khó di chuyển, thậm chí có thể gặp hiểm nguy.
Mặt khác, theo các nghiên cứu khoa học, khi tảo mơ phát triển quá mức và chìm xuống đáy biển sau khi chết, chúng có thể gây hại cho các rạn san hô và thảm cỏ biển, làm suy giảm hệ sinh thái đáy đại dương.
Brigitta van Tussenbroek, nhà nghiên cứu thuộc Đơn vị Hệ thống Rạn san hô Puerto Morelos ở Mexico, chia sẻ với SciDev.Net rằng: “Khi quần thể phát triển không kiểm soát, sự cân bằng sinh thái sẽ bị phá vỡ. Lượng tảo mơ quá mức dẫn đến thiếu oxy trong nước, ảnh hưởng đến các loài sinh vật khác và có thể dẫn đến cái chết hàng loạt của chúng. Nhưng những tác động tiêu cực của nó không chỉ dừng lại ở đó”.
Khi xác tảo mơ chết dạt vào bờ và bắt đầu phân hủy, chúng tạo ra khí hydro sunfua với mùi hôi khó chịu (giống như mùi trứng thối), gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng ven biển, làm suy giảm ngành du lịch và gây hại cho môi trường tự nhiên.
Tổng hợp: SciDev, Phys/Guardian, IFL Science