Loại cây ‘sát thủ’ được xếp vào ‘tam độc’ nhưng trong thân lại chứa ‘vàng lỏng’ giá trị cao
(Thị trường tài chính) - Dù bị coi là "cây độc" nhưng loài cây này thực chất lại mang lại giá trị kinh tế lên tới hàng triệu đồng/kg.
Cây sơn, thuộc họ Đào lộn hột, là loại cây thân gỗ, cao từ 8 đến 10m, nhưng khi trồng trong đồn điền để thu nhựa, cây chỉ đạt khoảng 3-4m. Điểm đặc biệt của cây sơn nằm ở loại nhựa quý giá trong thân cây - được ví như "vàng lỏng" bởi giá trị kinh tế cao.
Nhựa sơn có giá từ 150.000 đến 300.000 đồng/kg, thậm chí từng lên tới 500.000 đồng/kg. Tại Trung Quốc, loại nhựa này có giá lên đến 600 NDT (tương đương hơn 2 triệu đồng/kg). Dù vậy, nhiều người vẫn coi cây sơn là nguy hiểm và cần tránh xa.
Cây sơn, thuộc họ Đào lộn hột, là loại cây thân gỗ, cao từ 8 đến 10m. Ảnh: Internet
Cây sơn mọc hoang ở các khu rừng thứ sinh tại Việt Nam, từ Hòa Bình, Quảng Ninh tới Lâm Đồng, và cũng được trồng rộng rãi ở các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hòa Bình. Ngoài Việt Nam, cây sơn còn phổ biến ở Ấn Độ, Malaysia, Trung Quốc, Nhật Bản,...
Ở Trung Quốc, cây sơn từng bị gọi là “cây sát thủ” hay “cây tử thần” vì khả năng gây kích ứng da mạnh. Nhựa cây chứa hợp chất dễ gây viêm da dị ứng, còn được người Việt gọi là “sơn ăn” hay “lở sơn” để cảnh báo về tác hại khi tiếp xúc trực tiếp. Người mới tiếp xúc lần đầu thường dễ bị dị ứng, lở loét; với người có cơ địa nhạy cảm, chỉ cần chạm hoặc ngửi hơi nhựa cũng có thể phát ban, ngứa ngáy, sưng tấy.
Dù bị coi là "cây độc" nhưng cây sơn lại mang lại giá trị kinh tế lên tới hàng triệu đồng/kg. Ảnh: Sưu tầm
Nhựa cây sơn chứa chất kích ứng mạnh, dễ gây viêm da, khiến vùng da tiếp xúc sưng đỏ, phồng rộp, nổi mụn nước và gây ngứa ngáy. Thậm chí, một số trường hợp còn bị sưng phù, nứt nẻ, chảy nước. Hiện nay, y học vẫn chưa xác định cụ thể loại da hay đối tượng nào dễ bị dị ứng với sơn ta, nhưng những người có cơ địa nhạy cảm (hen suyễn, nổi mề đay, chàm, viêm mũi dị ứng,...) rất dễ bị phản ứng khi tiếp xúc với loại cây này.
Trong khi đó, những người dân địa phương, người trồng và làm việc lâu năm với cây sơn dường như đã thích ứng, ít bị ảnh hưởng.
Cây sơn từng bị gọi là “cây sát thủ” hay “cây tử thần” vì khả năng gây kích ứng da mạnh. Ảnh minh họa
Khi vào rừng, dân gian thường khuyên nên tránh xa cây sơn, coi nó ngang hàng với rắn và ong độc trong nhóm “tam độc”. Tuy nhiên, những người thợ khai thác lâu năm, có kinh nghiệm biết cách lấy nhựa cây mà không gây hại cho sức khỏe.
Dù khai thác nhựa sơn đòi hỏi kỹ thuật cao, thị trường trong nước và quốc tế luôn săn đón loại nhựa này. Từ lâu, nhựa sơn tự nhiên đã được ứng dụng trong sản xuất đồ nội thất nhờ các đặc tính chống ăn mòn, chống gỉ, chịu nhiệt và bền đẹp. Các sản phẩm phủ nhựa sơn có thể giữ nguyên vẻ đẹp và độ bền suốt hàng chục năm.
Dân gian thường khuyên nên tránh xa cây sơn, coi nó ngang hàng với rắn và ong độc trong nhóm “tam độc”. Ảnh: Internet
Không chỉ nhựa, hạt cây sơn cũng được dùng trong công nghiệp hóa chất để chiết xuất dầu. Vỏ quả cây có thể làm sáp, còn gỗ của cây với màu sắc đẹp và kết cấu mịn màng rất thích hợp cho đồ nội thất và xây dựng.