HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Chợ gần 40 năm tuổi ở đô thị đặc biệt nhất Việt Nam sắp được xây dựng lại

Như Ý

(Thị trường tài chính) - UBND thành phố Hà Nội mới đưa quyết định về điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch sử dụng đất năm 2024 quận Đống Đa với dự án xây dựng khu chợ này.

UBND thành phố Hà Nội vừa quyết định đầu tư xây dựng chợ Khâm Thiên trên diện tích 0,0792ha tại quận Đống Đa, theo kế hoạch sử dụng đất năm 2024. Dự án được triển khai dựa trên cơ sở pháp lý là Nghị quyết số 03/NQ-HĐND ngày 12/4/2024 của HĐND quận Đống Đa và Quyết định số 1968/QĐUBND ngày 17/6/2024 của UBND quận Đống Đa. 

Dự án chợ Khâm Thiên có tổng diện tích 792,2m2, trong đó phần lớn diện tích được dành cho xây dựng khoảng 670m2. Ngoài ra, dự án còn bố trí không gian xanh, đường nội bộ và trạm biến áp. Từ cuối năm 2023, phường Khâm Thiên đã tổ chức một buổi họp công khai để thông báo các thông tin quan trọng liên quan đến dự án xây dựng lại chợ Khâm Thiên, bao gồm phương án thiết kế, chính sách hỗ trợ và danh sách các hộ kinh doanh.

Chợ gần 40 năm tuổi ở đô thị đặc biệt nhất Việt Nam sắp được xây dựng lại - ảnh 1
Chợ Khâm Thiên sắp được xây dựng lại. Ảnh minh họa: Internet

Từ năm 1986, chợ Khâm Thiên đã trở thành điểm đến quen thuộc của người dân các phường Khâm Thiên, Trung Phụng, Văn Chương và các khu vực lân cận để mua sắm hàng hóa với sự phục vụ của 69 hộ kinh doanh. Theo Báo Điện tử An ninh Thủ đô, chợ Khâm Thiên có quy mô một tầng với ba cổng tiếp cận, bên trong được bố trí các ki-ốt xung quanh trạm biến áp trung tâm của khu vực.

Để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, việc đầu tư cải tạo và xây dựng lại các chợ cũ, chợ truyền thống được chú trọng. Điều này không chỉ giúp cải thiện môi trường mua sắm mà còn hướng tới xây dựng một không gian thương mại đô thị văn minh, hiện đại, phục vụ tốt hơn nhu cầu của cư dân và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Đầu tư nâng cấp các chợ còn nhằm đảm bảo yêu cầu về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy, thúc đẩy lưu thông hàng hóa...

Theo Nghị quyết số 1210/2016, đô thị đặc biệt được xác định có vị trí, chức năng và vai trò quan trọng, bao gồm Thủ đô hoặc trung tâm tổng hợp cấp quốc gia, quốc tế về các lĩnh vực như kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, y tế, khoa học và công nghệ.

Ngoài ra, đô thị đặc biệt còn là đầu mối giao thông và giao lưu quốc tế, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Theo quy định, một đô thị đặc biệt phải có quy mô dân số từ 5 triệu người trở lên, trong đó khu vực nội thành phải đạt từ 3 triệu người trở lên.

Hiện tại, Hà Nội và TP. HCM là hai thành phố được xếp loại đô thị đặc biệt. Thủ đô Hà Nội có diện tích hơn 3.358km2 với dân số hơn 8,2 triệu người, trong khi TP. HCM rộng 2.095km2 với dân số gần 10 triệu người.