Không phải vua Bảo Đại hay Công tử Bạc Liêu, đây mới là người Việt Nam đầu tiên sở hữu ô tô riêng
(Thị trường tài chính) - Năm 1907, sau khi về Việt Nam, đại gia này đã mua lại chiếc xe ô tô của một người Pháp để đi chơi.
Chiếc xe ô tô đầu tiên ở Việt Nam xuất hiện vào đầu thế kỷ XX. Nhiều người sẽ nghĩ rằng người đầu tiên sở hữu ô tô tại nước ta nhất định phải là người giàu có như vua Bảo Đại, ông Trần Trinh Huy (Công tử Bạc Liêu), ông Dương Văn Quảng (Công tử Cần Thơ)... Nhưng thật ra nhân vật đặc biệt đó là người khác - ông Châu Văn Tú, còn được gọi là thầy Năm Tú.
Ông Châu Văn Tú sinh ra trong một gia đình giàu có ở làng Vĩnh Kim, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Ông từng có thời gian đi du học Pháp và lấy quốc tịch nước này với tên Pierre Tú. Châu Văn Tú rất thích văn hóa phương Tây, đam mê ngoại quốc. Ông nói tiếng Pháp trôi chảy, lối sống cũng mang hơi hướng Pháp.
Năm 1907, sau khi về Việt Nam, ông Châu Văn Tú đã mua lại chiếc xe ô tô của một người Pháp để đi chơi. Cũng từ đây, thầy Năm Tú trở thành người đầu tiên ở Việt Nam sở hữu ô tô.
Từ khi có ô tô, ông Năm Tú thường tự lái xe dạo chơi trên đường, chở bạn bè đi khắp nơi. Người ta thấy chiếc xe hơi của Châu Văn Tú xuất hiện tại những địa điểm ăn chơi nổi tiếng.
Đặc biệt, dù rất thích văn hóa phương Tây nhưng ông Châu Văn Tú lại yêu văn hóa nghệ thuật nước nhà, đặc biệt là cải lương.
Theo các tài liệu ghi lại, vì quá mê cổ nhạc nên năm 1917, ông Châu Văn Tú xuất tiền mua lại gánh “Xiếc và Ca ra bộ An Nam Trẻ” của André Thận, do ông này kinh doanh nghệ thuật bị thua lỗ; và thành lập gánh hát, lấy tên là thầy Năm Tú. Điều này đánh dấu sự ra đời của rạp hát cải lương đầu tiên của xứ Nam Kỳ.
So với những rạp hát cùng thời hoặc trước đó, rạp hát thầy Năm Tú được xem là rạp hát cải lương đầu tiên của Nam Bộ là vì có sân khấu rộng và cao, được bố trí ròng rọc để thay đổi phông màn, hai bên có nhiều lớp cánh gà. Rạp có hai tầng ghế ngồi. Tầng dưới có hàng trăm ghế đủ 4 hạng: thượng hạng, hạng nhất, nhì và ba. Trên lầu là sàn gỗ chắc chắn, cũng bố trí ba hạng ghế: nhất, nhì, ba. Còn hai bên chia thành từng ngăn và bốn ghế đẹp dành cho khách đặc biệt.
Giới nghiên cứu đều cho rằng, chính từ rạp hát thầy Năm Tú mà cải lương đã được thai nghén và có sức lan tỏa mạnh mẽ cho đến ngày nay.
Hiện nay, rạp hát Thầy Năm Tú đã được tỉnh Tiền Giang công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa. Rạp hát đã được tu bổ và xây dựng mới trên cở sở kiến trúc cũ. Diện tích rạp tuy còn khiêm tốn, chỉ rộng khoảng 600m2 nhưng đã trở thành địa chỉ văn hóa nghệ thuật của TP. Mỹ Tho.