‘Cánh hoa nghìn tỷ’ có nhiều ở một tỉnh Đông Bắc của Việt Nam nhưng hiếm có trên thế giới, có nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe
(Thị trường tài chính) - Loại cây này trồng phổ biến tại một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam được gọi là "cánh hoa nghìn tỷ" nhờ mang lại giá trị kinh tế lớn.
Tại Việt Nam, hoa hồi được được gọi là "cánh hoa nghìn tỷ" vì mang lại giá trị kinh tế lớn, là một trong những cây gia vị quý giá. Theo Hiệp hội Gia vị Thế giới, hoa hồi là một loại gia vị quý hiếm, hiện nay chỉ có tại một số quốc gia như Việt Nam và Trung Quốc.
“Cánh hoa nghìn tỷ” của Việt Nam
Lạng Sơn hiện là địa phương đứng đầu cả nước về diện tích trồng hồi, với hơn 43.370 ha rừng hồi, chiếm khoảng 70% tổng diện tích trồng hồi của Việt Nam. Trong số đó, hơn 28.000ha hồi đã cho thu hoạch ổn định, với sản lượng hoa hồi khô dao động từ 7.500-16.000 tấn mỗi năm.
Thực tế, hoa hồi chính là quả hồi có từ 5-8 cánh hình thoi. Cây hồi không đòi hỏi quá nhiều công chăm sóc và bắt đầu cho thu hoạch sau 7-8 năm trồng. Nhờ điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng thuận lợi, hoa hồi từ Lạng Sơn được đánh giá cao về chất lượng và hàm lượng tinh dầu.
Cây hồi là một nguồn tài nguyên quý giá, mang lại giá trị kinh tế cao với các sản phẩm được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như dược liệu, hương liệu, ẩm thực và thủ công mỹ nghệ. Với thị trường tiêu thụ lớn, bao gồm các khu vực như Mỹ, châu Âu, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đông Nam Á, cây hồi đóng vai trò quan trọng trong ngành nông nghiệp, đặc biệt là tại tỉnh Lạng Sơn.
Là cây trồng lâm nghiệp chủ lực của Lạng Sơn, hồi đã góp phần cải thiện đời sống người dân, đóng vai trò thiết yếu trong việc xóa đói, giảm nghèo. Mặc dù chi phí đầu tư ban đầu có thể cao, nhưng lợi ích lâu dài của cây hồi là rất đáng kể, mang lại thu nhập ổn định trong nhiều thập kỷ, cho thấy tiềm năng kinh tế to lớn mà loại cây này mang lại.
Theo thống kê từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), trong tháng 9, Việt Nam đã xuất khẩu 704 tấn hoa hồi, đạt giá trị 3,2 triệu USD.
Trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu tổng cộng 9.822 tấn hoa hồi, thu về gần 47 triệu USD. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, sản lượng xuất khẩu giảm 9,5% và kim ngạch giảm 20,6%. Ấn Độ là thị trường tiêu thụ chính, với 6.264 tấn, tiếp theo là Mỹ, Đài Loan, và Trung Quốc.
Trong năm 2023, Việt Nam đã đạt doanh thu 83 triệu USD từ 16.136 tấn hoa hồi xuất khẩu, trong đó Ấn Độ chiếm 57% với 499 tấn.
Việt Nam hiện là một trong những quốc gia hàng đầu về xuất khẩu gia vị, đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu, đứng số 1 thế giới về xuất khẩu quế và thứ 2 thế giới về xuất khẩu hoa hồi. Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam còn nhiều tiềm năng để phát triển các sản phẩm gia vị. Năm ngoái, tổng giá trị xuất khẩu của hồ tiêu và gia vị Việt Nam đạt hơn 1,4 tỷ USD, và ngành này đặt mục tiêu nâng con số xuất khẩu lên 2 tỷ USD vào năm 2025.
Công dụng của hoa hồi đối với sức khỏe
Cây hồi thường cho thu hoạch quả chín vào tháng 9 hoặc tháng 4, với mỗi vụ kéo dài từ 3 đến 4 tháng. Thông thường, một cây hồi phải từ 5 năm tuổi trở lên mới có thể cho quả, và mỗi năm chỉ có thể thu hoạch 2 vụ, khiến loại hàng hóa này trở nên “quý hiếm”.
Từ năm thứ 10 trở đi, mỗi hecta cây hồi có thể mang lại thu nhập lên đến 400 triệu đồng mỗi năm. Do là cây lâu năm, sau khi bắt đầu ra hoa, cây hồi có thể cho thu hoạch liên tục trong hàng chục năm tiếp theo.
Ngoài đem lại lợi ích về kinh tế, hoa hồi cũng có rất nhiều công dụng tuyệt vời đối với sức khỏe.
Tác dụng kháng khuẩn và kháng nấm
Theo một nghiên cứu được đăng tải trên Journal of Medicinal Food năm 2005, thành phần anethole trong hoa hồi có khả năng kháng khuẩn và kháng nấm mạnh mẽ. Các chất này có thể tiêu diệt vi khuẩn, nấm gây bệnh và ngăn chặn sự phát triển của chúng, giúp bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh nhiễm trùng thông thường.
Hỗ trợ hệ tiêu hóa
Hoa hồi cũng có khả năng hỗ trợ tiêu hóa, đặc biệt là giảm đầy hơi, khó tiêu. Nghiên cứu đăng trên Phytotherapy Research năm 2012 đã chỉ ra rằng, anethole có tác dụng làm dịu đường tiêu hóa, kích thích quá trình tiêu hóa và giảm các triệu chứng khó chịu ở dạ dày. Vì vậy, việc thêm hoa hồi vào các món ăn không chỉ tăng hương vị mà còn giúp bảo vệ dạ dày.
Cải thiện sức khỏe đường hô hấp
Các bài thuốc dân gian thường sử dụng hoa hồi để làm giảm các triệu chứng liên quan đến đường hô hấp như ho, cảm lạnh, khó thở. Báo cáo từ International Journal of Molecular Sciences năm 2010 đã khẳng định, tinh dầu hoa hồi có tác dụng làm giảm các triệu chứng hô hấp và giúp cải thiện chức năng phổi. Điều này làm cho hoa hồi trở thành một liệu pháp tự nhiên hữu ích trong mùa lạnh.
Chống oxy hóa
Tinh dầu hoa hồi chứa hàm lượng cao các chất chống oxy hóa, giúp ngăn ngừa các tổn thương tế bào gây ra bởi gốc tự do. Một nghiên cứu được công bố trên Journal of Agricultural and Food Chemistry năm 2008 đã chứng minh rằng, hoa hồi là nguồn cung cấp chất chống oxy hóa phong phú, giúp cơ thể chống lại quá trình lão hóa, đồng thời làm giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như bệnh tim, ung thư.
Thành phần quan trọng trong sản xuất thuốc chống cúm
Hoa hồi còn được biết đến với vai trò quan trọng trong y học hiện đại. Axit shikimic, một thành phần quan trọng có trong hoa hồi, là nguyên liệu chính để sản xuất thuốc Tamiflu, một trong những loại thuốc chống cúm hiệu quả nhất hiện nay. Nghiên cứu từ Journal of Natural Products năm 2001 đã chỉ ra rằng axit shikimic có khả năng ngăn chặn virus cúm phát triển, hỗ trợ điều trị và phòng ngừa bệnh cúm.
Tổng hợp