Khúc gỗ quý hiếm cứng như sắt đá, bị chôn vùi dưới lòng sông Tiền hàng trăm năm được đại gia miền Tây ‘hô biến’ thành cực phẩm
(Thị trường tài chính) -Loại gỗ này đa phần là những cây đại thụ, tuổi đời vài trăm năm. Do nhiều tác động khác nhau, cây lại bị chôn vùi dưới lòng sông hàng trăm năm, đến nay chỉ còn lại phần lõi cây bền và cứng.
Gỗ lũa từ lâu đã được biết đến là loại gỗ quý hiếm và có giá trị cao. Đây là phần gốc của những cây cổ thụ tự nhiên, trải qua hàng trăm năm dưới đáy sông, được dòng nước bào mòn đến mức không thể xác định được nguồn gốc của chúng, vì vậy được gọi chung là "gỗ lũa".
Do ảnh hưởng của dòng chảy, gỗ lũa bị bào mòn, hóa thạch và có thể tồn tại qua hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm với những hình dáng vô cùng độc đáo.
Những gốc gỗ lũa nằm dưới lòng sông Tiền cả trăm năm. Ảnh: Báo Vietnamnet
Theo báo Vietnamnet, ông Nguyễn Văn Nghỉ ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang đã "thổi hồn" vào những gốc cây gỗ lũa này, biến chúng thành một bộ sưu tập độc đáo nhất ở miền Tây. Được mệnh danh là "vua gỗ lũa", ông Nghỉ đã dành gần 20 năm để sưu tầm và lưu giữ gần như tất cả các gốc cây gỗ trầm tích hàng trăm năm dưới đáy sông Tiền.
Sau khi được trục vớt lên, những gốc gỗ lũa được thợ sáng tạo thành những tác phẩm tuyệt diệu. Ảnh: Báo Vietnamnet
Theo lời kể của ông Nghỉ, năm 2006, khi tình cờ thấy người dân địa phương vớt được một khúc gỗ lũa đẹp, ông đã mua về và từ đó đam mê với gỗ lũa bắt đầu. Gần 20 năm sưu tập, ông sở hữu hơn 3.000 khối gỗ lũa. Một số tác phẩm được ông mời thợ từ Nam Định vào điêu khắc, tạo nên hơn 50 tác phẩm nghệ thuật với kích thước "khủng," được xem là "độc nhất miền Tây" và hiện được trưng bày tại Khu du lịch sinh thái Mỹ Luông (huyện Chợ Mới) do ông đầu tư.
Bộ tượng Phật từ gỗ lũa. Ảnh: Báo Vietnamnet
Theo ông Nghỉ, việc tạo tác từ gỗ lũa đòi hỏi nhiều thời gian và công sức vì gỗ trầm tích qua hàng trăm năm dưới đáy sông rất cứng, như sắt đá, khiến lưỡi cưa dễ bị cùn và việc tạo hình trở nên khó khăn. Để hoàn thành hơn 50 tác phẩm, đội ngũ thợ phải mất hơn 5 năm lao động miệt mài.
“Gỗ lũa đa phần là những cây đại thụ, tuổi đời vài trăm năm. Do nhiều tác động khác nhau, cây lại bị chôn vùi dưới lòng sông hàng trăm năm khiến phần thân gỗ bị rã, chỉ còn lại phần lõi cây bền và cứng. Cho nên, gỗ lũa nguyên khối lớn rất hiếm và hầu như không xác định được là loại cây gì”, ông Nghỉ nói.
Các nghệ nhân sẽ tạc dựa theo dáng thế tự nhiên của cây. Ảnh: Báo Vietnamnet
Ông Nghỉ nói thêm, tùy theo hình thể cũng từng khúc gỗ lũa, các nghệ nhân sẽ tạc dựa theo dáng thế tự nhiên của cây. Trong đó, vẻ đẹp của gỗ lũa thường ẩn giấu nên người tạo tác phải có con mắt quan sát tinh tường, liên tưởng phong phú mới phát hiện ra được.
Tại khu du lịch, bộ sưu tập gỗ lũa được bố trí một cách nghệ thuật và bắt mắt. Những tác phẩm tiêu biểu bao gồm tượng 12 con giáp tạc trên một gốc cây; bức tranh gỗ lũa dài 24,5m, đường kính 3m; căn nhà từ gỗ lũa; bàn khắc tranh 3D; bộ bàn ghế; tượng Bác Hồ; tượng Phật; hòn non bộ…
Trong đó, nổi bật nhất là bức tranh gỗ lũa nguyên khối có chiều dài 24,5m được coi là độc nhất miền Tây. Đó là bức tranh đồng quê được nghệ nhân tạo tác tỉ mỉ các phong cảnh làng quê Việt Nam như đám cưới chuột, hoạt cảnh vinh quy bái tổ, nông dân làm ruộng trên cánh đồng, phong cảnh đặc trưng của 3 miền… Dù trên nền gỗ màu nâu đơn giản nhưng hình ảnh về con người, cảnh vật trên bức tranh đều được khắc nổi như tranh 3D, khiến người yêu nghệ thuật đều trầm trồ, thán phục.
Bức tranh đồng quê Việt Nam làm từ gỗ lũa của ông Nghỉ đã xác lập kỷ lục Việt Nam vì sở hữu kích thước khủng và có giá trị độc bản. Ảnh: Báo Lao Động
Bộ sưu tập gỗ lũa của ông Nghỉ đã thu hút nhiều người yêu thích gỗ đến chiêm ngưỡng, nhưng ông vẫn kiên quyết giữ lại, xem đây là "của để dành".
Ông Nguyễn Văn Nghỉ - người dành gần 20 năm sưu tập xe biển số đẹp và gỗ lũa từ đáy sông Tiền. Ảnh: Sơn Lâm/Báo Tuổi Trẻ
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Nghỉ còn sở hữu bộ sưu tập hơn 500 chiếc xe, đủ loại từ các đời những năm 1965, 1967 đến nay như Future, Yamaha Sirius, Suzuki, Honda Dream, Honda Wave, Honda Cup... và cả các dòng xe tay ga cao cấp mới sau này như SH, Vespa, Honda Dylan, PCX…
Tất cả đều mang biển số "tứ quý" từ 1 đến 9, "sảnh tiến tới"... của hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp.