5 loại ung thư có thể phòng ngừa bằng vaccine, bao gồm căn bệnh ung thư gây tử vong nhiều nhất tại Việt Nam
(Thị trường tài chính) - Việc nắm vững thông tin về các loại vaccine phòng ngừa ung thư giúp người dân chủ động bảo vệ sức khỏe từ sớm, giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.
Ung thư hình thành khi các tế bào trong cơ thể phát triển và phân chia không kiểm soát, tạo ra khối u và có thể lan rộng sang các bộ phận khác. Vaccine phòng ngừa ung thư giúp "huấn luyện" hệ miễn dịch, bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của các tế bào bất thường hoặc tác nhân lạ. Vaccine này kích hoạt tế bào miễn dịch sản sinh ra một loại protein đặc biệt (kháng nguyên) giống với kháng nguyên của tế bào ung thư đã được lấy mẫu từ bệnh nhân. Sau đó, hệ miễn dịch phát triển kháng thể để nhận diện và tiêu diệt tế bào ung thư.
Theo thông tin từ Báo Sức khỏe và Đời sống, người dân có thể chủ động phòng 5 loại ung thư từ sớm bằng vaccine, bao gồm:
Ung thư cổ tử cung
Vaccine HPV hiện là loại vaccine duy nhất có khả năng ngăn ngừa ung thư, đặc biệt là ung thư cổ tử cung, thông qua việc chống lại virus HPV (virus u nhú ở người) - loại virus lây qua đường tình dục. Theo TS. Pooja Babbar, chuyên gia ung thư tại Bệnh viện CK Birla Gurugram (Ấn Độ), "vaccine HPV cung cấp hơn 90% khả năng miễn dịch chống lại ung thư cổ tử cung." Trước đây, ung thư cổ tử cung từng là loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ, nhưng nay đã giảm xuống vị trí thứ hai, sau ung thư vú.
Ung thư hậu môn, đầu cổ, dương vật, âm hộ và âm đạo
Các loại ung thư này cũng có thể phòng ngừa bằng vaccine HPV, giúp ngăn chặn sự lây nhiễm của virus u nhú ở người.
Ung thư gan
Vaccine viêm gan B giúp ngăn ngừa viêm gan B, từ đó giảm nguy cơ mắc ung thư gan. Viêm gan B là một bệnh do virus HBV gây ra, có thể diễn tiến từ giai đoạn cấp tính (vài tuần) đến mạn tính (kéo dài) và dẫn đến ung thư gan. TS. Babbar nhấn mạnh rằng "vaccine viêm gan B giúp ngăn ngừa nhiễm trùng viêm gan B tiến triển thành xơ gan, từ đó giảm nguy cơ ung thư biểu mô tế bào gan".
Ung thư bàng quang
Vaccine BCG được sử dụng trong điều trị các khối u ác tính giai đoạn đầu của ung thư bàng quang. Vaccine này, làm từ vi khuẩn lao bất hoạt, được đưa vào bàng quang qua ống thông dưới dạng chất lỏng. Khi vào cơ thể, vaccine BCG kích thích các tế bào miễn dịch, giúp chúng tấn công các tế bào ung thư bàng quang một cách hiệu quả.
Đối với ung thư bàng quang nguy cơ thấp, phương pháp hóa trị thường được ưu tiên. Tuy nhiên, với các loại ung thư nguy cơ trung bình đến cao, vaccine BCG là lựa chọn tối ưu, giúp ngăn chặn sự tiến triển của ung thư bàng quang giai đoạn đầu và giảm tỷ lệ tái phát.
Ung thư tuyến tiền liệt
Vaccine sipuleucel-T (Provenge) là lựa chọn điều trị cho những bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt đã di căn. Vaccine này hoạt động bằng cách thu thập các tế bào miễn dịch từ bệnh nhân và cho tiếp xúc với một phân tử từ tế bào ung thư tuyến tiền liệt. Sau đó, các tế bào miễn dịch này được truyền lại vào cơ thể, giúp kéo dài thời gian sống cho những bệnh nhân mắc ung thư tuyến tiền liệt di căn.
Lựa chọn vaccine ngừa ung thư cho từng đối tượng
- Vaccine viêm gan B: Khuyến nghị cho trẻ sơ sinh, trẻ chưa được tiêm chủng hoặc người có nguy cơ cao mắc bệnh, để ngăn ngừa ung thư gan do virus viêm gan B.
- Vaccine HPV: Có thể tiêm cho trẻ vị thành niên và người lớn để giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung, đặc biệt hiệu quả nếu được tiêm trước khi tiếp xúc với virus HPV.
- Vaccine BCG: Là phương pháp hiệu quả cho người mắc ung thư bàng quang giai đoạn đầu, ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư.
- Vaccine sipuleucel-T (Provenge): Được khuyến nghị cho nam giới ung thư tuyến tiền liệt ở giai đoạn tiến triển, giúp hệ miễn dịch chống lại tế bào ung thư.
Trong chương trình "Hiểu đúng về bệnh ung thư gan" do Bệnh viện K tổ chức vào tháng 8/2023, các bác sĩ công bố rằng ung thư gan đã vượt qua ung thư phổi, trở thành loại ung thư phổ biến nhất tại Việt Nam với gần 26.500 ca mắc mỗi năm, chiếm 14,5% tổng số ca ung thư (theo dữ liệu của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế - Globocan). Đáng chú ý, 77% số ca mắc ung thư gan là nam giới. Ngoài ra, đây cũng là loại ung thư có tỷ lệ tử vong cao nhất tại Việt Nam, với 25.272 ca tử vong mỗi năm, chiếm 21% tổng số trường hợp tử vong do ung thư. |
Nguồn: Tổng hợp