Hôm nay, Thủ tướng chủ trì họp với các Tập đoàn, DN lớn gỡ khó sản xuất kinh doanh
(Thị trường tài chính) - Loạt “ông lớn” gồm Vingroup, Sungroup , Geleximco, Novaland,… tham dự Hội nghị Triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ 2024, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh vào sáng nay (14/3).
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Văn phòng Chính phủ mới đây đã có công văn gửi lãnh đạo 18 doanh nghiệp tham dự Hội nghị Triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ 2024, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.
Hội nghị diễn ra vào sáng nay tại Trụ sở Chính Phủ, do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì. Cùng dự Hội nghị với Thủ tướng và lãnh đạo các tập đoàn lớn còn có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái.
Loạt doanh nghiệp lớn được mời họp bao gồm: Vingroup, Sungroup, Geleximco, FPT, Masan, TH, Đèo Cả, Novaland, Hưng Thịnh, Savico, Taseco; các tổng công ty, như: Đầu tư phát triển công nghiệp, Đầu tư phát triển nhà và đô thị Hà Nội; các CTCP như: Phát Đạt, Địa ốc Hoàng Quân, Đầu tư IMG, Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, Vinaconex...
Gần đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã gửi công văn hỏa tốc tới Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024. Thủ tướng yêu cầu thực hiện ngay các giải pháp điều hành để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay gắn với tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng, ngoại tệ lành mạnh, có trọng tâm, trọng điểm, phục vụ, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Trong khi đó, ngày 11/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng đã chủ trì cuộc họp trực tuyến Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp sau khi các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản mới được ban hành.
Tại cuộc họp, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng đã tập trung thảo luận các giải pháp nhằm xác định mức giá hợp lý cho nhà ở thương mại phân khúc cao cấp; đánh giá thị trường bất động sản dành cho khách hàng có thu nhập trung bình và thấp.
Về phát triển thị trường nhà ở xã hội, đại diện một số ngân hàng cho biết, khó khăn trong giải ngân gói tín dụng này là khả năng đáp ứng của chủ đầu tư về năng lực tài chính, tài sản đảm bảo, tính thanh khoản của dự án, giới hạn về tỷ suất lợi nhuận của các dự án nhà ở xã hội… Một số doanh nghiệp kiến nghị rút ngắn thời gian rà soát pháp lý, nguồn gốc sử dụng đất dự án nhà ở xã hội; đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính; nới lỏng điều kiện tiếp cận tín dụng cho chủ đầu tư và người mua có thu nhập trung bình và thấp...