HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Chung cư 1,6 tỷ đồng gần như “tuyệt chủng” tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh

Đức Long

(Thị trường tài chính) - Sau đại dịch Covid-19, hai yếu tố lạm phát tăng và thu nhập giảm mạnh, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều rơi vào khủng hoảng nhà ở. Đây là câu chuyện của toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

Nhà ở "vừa túi tiền" đang dần "tuyệt chủng"

Trong khuôn khổ Diễn đàn Bất động sản Mùa Xuân lần thứ IV, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Đoàn Văn Bình cho rằng, hiện nay nước ta chưa có một khái niệm, định nghĩa cụ thể nào cho "nhà ở vừa túi tiền" mà quốc tế thường gọi là Affordable housing. Ở đây cần tách bạch, nhà ở vừa túi tiền là nhà ở thương mại. Còn riêng về nhà ở xã hội thì Việt Nam đã ban hành chính sách riêng.

“Vấn đề nhà ở vô cùng quan trọng vì không chỉ liên quan trực tiếp tới chỗ ở của người dân mà còn ảnh hưởng rất lớn tới vấn đề xã hội. Nếu chi phí dành cho nhà ở quá lớn, thì người dân, đặc biệt là những người có thu nhập thấp sẽ không còn tiền để chi tiêu và phục vụ nhu cầu thiết yếu. Từ đó, sẽ có tác động đến vấn đề sản xuất hàng hóa dịch vụ trong nền kinh tế”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phân tích.

Chung cư 1,6 tỷ đồng gần như “tuyệt chủng” tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh - ảnh 1
Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Đoàn Văn Bình nêu các vấn đề mà thị trường nhà ở vừa túi tiền đang gặp phải

Tại Việt Nam hiện nay, thị trường đều đang hiểu nhà ở vừa túi tiền là nhà ở thương mại có tổng giá trị tài sản được chi trả bằng thu nhập tích lũy từ 7 năm trở lên của một hộ gia đình; Là nhà phân khúc hạng C với mức giá cho căn hộ hoàn thiện cơ bản là dưới 1.000 USD/m2, nghĩa là căn hộ 2 phòng ngủ 65m2 có giá khoảng 65.000 USD tương đương 1,6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, có một thực tế là căn hộ chung cư với mức giá này gần như đã "tuyệt chủng" ở Hà Nội và TP.HCM. Hiện "chuẩn" giá nhà bình dân tại 2 thành phố này đã nâng lên 20 - 30%, ở mức 2 - 2,4 tỷ đồng/căn. Thậm chí, không còn đạt ở mức 1.000 USD/m2 mà có thể đã tăng lên gấp đôi.

Giải pháp nào cho thị trường nhà ở “vừa vúi tiền”?

Tại Diễn đàn Bất động sản Mùa Xuân lần thứ IV, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Đoàn Văn Bình đã nêu ra một số kinh nghiệm phát triển nhà ở vừa túi tiền của một số quốc gia trên thế giới.

Tại California, Chính phủ nước này cho phép chuyển đổi các không gian văn phòng sử dụng không hiệu quả thành nhà ở vừa túi tiền; hỗ trợ 8.000 USD cho người thu nhập thấp thuộc diện được thuê nhà ở vừa túi tiền để trả các loại chi phí như thẩm định giá, phí luật sư…; ưu đãi thuế cho các nhà phát triển dành 20% số căn hộ để làm nhà vừa túi tiền; người thuê nhà ở vừa túi tiền không phải trả khoản tiền ứng trước, thông thường là khoảng 20% giá trị hợp đồng mua nhà. Ngoài ra, giải pháp nghiêng về phía ngân hàng là Ngân hàng cho vay thế chấp 100% giá trị hợp đồng thay vì chỉ áp một mức nhất định.

Tại Canada, nước này đã tăng mật độ xây dựng, cấp phép nhanh hơn và áp dụng công nghệ mới. Canada cũng tập trung xây dựng 100.000 căn nhà mới vừa túi tiền khắp đất nước trong vòng 3 năm tới. Đặc biệt, Chính phủ nước này ban hành quỹ HAF trị giá 4 tỷ USD và đưa ra các tiêu chí: Các ban, hay thành phố nào muốn tiếp cận được quỹ này thì phải đề xuất giải pháp, sáng kiến. Từ đó, giải pháp, sáng kiến nào có lợi nhất thì các ban, thành phố đó được tiếp cận nguồn vốn nhiều nhất.

"Tôi cho rằng, đây là một ý tưởng rất hay về bảo toàn các nguồn lực nhà ở xã hội", ông Bình đánh giá.

Đối với Trung Quốc- một đất nước rộng lớn và đang gặp khủng khoảng thị trường bất động sản nói chung thì hiện nay, Chính phủ Trung Quốc đã bổ sung khoảng 6,5 triệu căn nhà ở mới cho thuê thu nhập thấp ở 40 thành phố chính đến năm 2025.

Từ những nghiên cứu trên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam chỉ ra 5 nhóm giải pháp về chính sách cho Việt Nam. Trong đó, cần chú trọng quy hoạch và phát triển quỹ đất cho phát triển nhà ở vừa túi tiền;Quy hoạch tăng mật độ xây dựng trong các dự án nhà ở cao tầng;Chú trọng việc quy hoạch nhà ở vừa túi tiền gần các đấu mối giao thông và đầy đủ hạ tầng xã hội;Khuyến khích chuyển đổi không gian thương mại thành nhà ở vừa túi tiền.

Bên cạnh đó, cần xây dựng các chính sách ưu đãi về thuế, phí đối với chủ đầu tư và người mua, thuê nhà ở vừa túi tiền;Khuyến khích đầu tư nước ngoài vào nhà ở vừa túi tiền;Nghiên cứu triển khai Quỹ tiết kiệm nhà ở, quỹ tín thác bất động sản,… Ngoài ra, cũng cần đơn giản hóa hệ thống các thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ; phân cấp, ủy quyền để giảm thiểu gánh nặng về thời gian, chi phí thủ tục cho doanh nghiệp; Rút ngắn thời gian cấp phép đối với các dự án nhà ở thương mại vừa túi tiền, miễn cấp phép trong các trường hợp nhất định trong khu đô thị có công năng hỗn hợp,…

Chung cư 1,6 tỷ đồng gần như “tuyệt chủng” tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh - ảnh 2
Triển khai đề tài nghiên cứu khoa học về thị trường nhà ở vừa túi tiền

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và Trường Đại học Luật Hà Nội là đơn vị chủ trì đề tài nghiên cứu khoa học và hội thảo khoa học quốc tế: "Tạo lập thị trường nhà ở thương mại vừa túi tiền: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất chính sách cho Việt Nam". Theo đó, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam giao LS.TS. Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn CEO đảm nhận vai trò chủ nhiệm đề tài và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam là đơn vị thực hiện.