HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Xây dựng nhà ở xã hội: Cần đặt mình vào địa vị của những người chưa có chỗ ở để hành động

Phùng Xuân

(Thị trường tài chính) - Muốn xây dựng 1 triệu nhà ở xã hội cho các đối tượng có thu nhập thấp, cấp ủy, chính quyền phải vào cuộc. Nhà nước, nhân dân, doanh nghiệp cùng làm, đặt mình vào địa vị của người khác, "trong tôi có anh, trong anh có tôi", đặt mình vào địa vị của những người chưa có chỗ ở để hành động.

Phát biểu trên được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu tại Hội nghị “Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội” diễn ra sáng nay.

Xây dựng nhà ở xã hội: Cần đặt mình vào địa vị của những người chưa có chỗ ở để hành động - ảnh 1
Thủ tướng yêu cầu, có các bên phải đặt mình vào địa vị của người chưa có chỗ ở (Ảnh: VGP/ Nhật Bắc)

Nhà ở xã hội là trụ cột của chính sách an sinh xã hội

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vừa là một trong những trụ cột của các chính sách an sinh xã hội, vừa là giải pháp hữu hiệu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Việc phát triển nhà ở xã hội là phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, với truyền thống văn hóa – lịch sử, đạo đức xã hội của dân tộc ta là lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều. “Nhà ở là một trong 3 trụ cột của an sinh xã hội, an cư mới lạc nghiệp, công dân có quyền có nơi ở hợp pháp”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng lấy ví dụ, doanh nghiệp đã làm thì phải có lãi, nhưng vấn đề là lãi ở mức nào vì nếu lãi nhiều thì người dân không mua được, lãi ít thì doanh nghiệp không vui?

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, đã giao chỉ tiêu cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì phải tập trung làm; phải đặt bài toán này trong tổng thể của các nguồn lực; cần suy nghĩ xem có vận dụng được kinh nghiệm nghệ thuật chiến tranh nhân dân trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây vào phát triển nhà ở xã hội hiện nay hay không?

Xây dựng nhà ở xã hội: Cần đặt mình vào địa vị của những người chưa có chỗ ở để hành động - ảnh 2
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhà ở là một trong 3 trụ cột của an sinh xã hội (Ảnh: VGP/ Nhật Bắc)

Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của cấp cơ sở - nơi gần dân nhất, sát dân nhất; tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; quan điểm "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân", yêu cầu làm việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó trong phát triển nhà ở xã hội.

Hiện nay, dự án nhà ở xã hội được tạo nhiều cơ chế ưu đãi như: Được dành tối đa 20% tổng diện tích đất để xây dựng công trình, dịch vụ, nhà ở thương mại; được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất của dự án; chủ đầu tư không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất; được vay vốn với lãi suất ưu đãi; cắt giảm quy định về điều kiện cư trú đối với đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội; các đối tượng là công nhân, lực lượng vũ trang được hưởng thêm các chính sách riêng về nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp và nhà ở cho lực lượng vũ trang…

Thời gian qua, việc phát triển nhà ở xã hội đã có chuyển biến tích cực, các bộ ngành, địa phương, ngân hàng, doanh nghiệp cùng tìm cách, cùng làm, người dân cũng cố gắng, đã làm được một số việc, nhưng đến nay vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra.

Một số địa phương chưa quyết tâm, chủ động

Báo cáo tiến độ thực hiện dự án, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, một số địa phương trọng điểm mặc dù có nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn, nhưng việc đầu tư nhà ở xã hội còn hạn chế so với mục tiêu của Đề án đến năm 2025. Có thể kể đến như: Hà Nội 03 dự án, 1.700 căn đáp ứng 9%, TP.Hồ Chí Minh 07 dự án, 4.996 căn đáp ứng 19%; Đà Nẵng 05 dự án, 2.750 căn đáp ứng 43%;..., hay một số địa phương không có dự án nhà ở xã hội khởi công trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay như: Hà Giang, Cao Bằng, Điện Biên, Lai Châu, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Kon Tum, Gia Lai, Long An, Vĩnh Long, Sóc Trăng...

Theo báo cáo, hiện nay, nhiều địa phương chưa quan tâm đến việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động khu công nghiệp. Chưa đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm. Chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp; ngoài quỹ đất 20% nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại, hầu hết các địa phương chưa quan tâm đến việc quy hoạch bố trí quỹ đất làm dự án nhà ở xã hội độc lập.

Xây dựng nhà ở xã hội: Cần đặt mình vào địa vị của những người chưa có chỗ ở để hành động - ảnh 3
Lãnh đạo các bộ, ngành, các chuyên gia.... tham gia Hội nghị (Ảnh: VGP/ Nhât Bắc)

Một số địa phương chưa quyết tâm, chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao tại Đề án; chưa ban hành Kế hoạch triển khai Đề án để đảm bảo hoàn thành mục tiêu đề ra. Các thành phố lớn, tập trung nhiều người lao động thu nhập thấp, có nhu cầu về nhà ở xã hội cao tuy nhiên địa phương đăng ký nhà ở xã hội hình thành trong năm 2024 thấp như: Hà Nội 1.181 căn, TP. Hồ Chí Minh 3.765 căn, Đà Nẵng 1.880 căn, Cần Thơ 1.535 căn...

Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng cho biết, một số địa phương mặc dù có nhiều dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư trong giai đoạn vừa qua nhưng các các cấp chính quyền chưa thực sự quan tâm, tạo điều kiện trong việc lựa chọn chủ đầu tư dự án để triển khai đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, một số dự án nhà ở xã hội đã khởi công nhưng các doanh nghiệp không triển khai thi công hoặc thi công chậm tiến độ.

Còn theo TS Hoàng Văn Cường – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, nên ưu tiên giải quyết nhu cầu có chỗ ở hơn là nhu cầu sở hữu nhà. “Chúng ta biết rằng với người thu nhập thấp, việc trang trải cuộc sống cũng đã khó khăn thì làm sao có tiền tiết kiệm, tích lũy để trả tiền lãi, trả tiền vốn vay. Chính vì vậy, chúng ta quan tâm nhiều hơn đến chương trình phát triển nhà ở xã hội cho thuê với những điều kiện ưu đãi khác biệt hơn so với các chương trình hiện nay”, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đề xuất.