HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Vượt Mỹ, quốc gia châu Á chứng kiến tài sản tăng mạnh nhất thế giới bất chấp siêu lạm phát

Thiên Kim

(Thị trường tài chính) - Theo báo cáo, lạm phát ở Thổ Nhĩ Kỳ đang ở mức hơn 71%, một con số đáng kinh ngạc đối với dân số 85 triệu người.

Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt xa phần còn lại của thế giới về tăng trưởng tài sản trong một bảng xếp hạng toàn cầu - một kết quả có thể gây ngạc nhiên vì mức lạm phát cao của nước này.

Ngân hàng UBS của Thụy Sĩ viết trong Báo cáo Tài sản Toàn cầu 2024 của mình: “Thổ Nhĩ Kỳ nổi bật với mức tăng trưởng đáng kinh ngạc hơn 157% về tài sản bình quân đầu người trong khoảng thời gian năm 2022 - 2023, bỏ xa tất cả các quốc gia khác”.

Các quốc gia có mức tăng trưởng cao thứ 2 là Nga và Qatar với gần 20% trong khi Nam Phi đạt hơn 16%, đứng ở hạng 3. Tại Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới - tài sản bình quân đầu người tăng gần 2,5%.

Vượt Mỹ, quốc gia châu Á chứng kiến tài sản tăng mạnh nhất thế giới bất chấp siêu lạm phát - ảnh 1
Mức tăng trưởng tài sản bình quân đầu người từ năm 2022 đến năm 2023, tính bằng đồng nội tệ. Nguồn: Marketwatch 

 

Theo CNBC, lạm phát tại Thổ Nhĩ Kỳ hiện ở mức gần 72%, một con số đáng kinh ngạc đối với 85 triệu dân của nước này. Nhiều người trong số họ đã chứng kiến sức mua giảm mạnh trong vài năm qua. 

Trong 5 năm qua, đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ mất giá gần 83% giá trị so với đồng USD, giao dịch ở mức 33 lira đổi 1 USD tính đến sáng ngày 17/7 theo giờ London (Anh).

Nhưng đối với người dân Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu tài sản như nhà cửa, mức độ giàu có của họ đã tăng lên khi lạm phát đẩy giá các tài sản đó lên cao.

Báo cáo của UBS định nghĩa giá trị tài sản ròng hay “tài sản” là “giá trị của tài sản tài chính cộng với tài sản thực (chủ yếu là nhà ở) do các hộ gia đình sở hữu, trừ đi nợ”. Trong một buổi họp báo, một số tác giả của báo cáo đã phân tích mối quan hệ giữa lạm phát và sự gia tăng tài sản ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Samuel Adams, chuyên gia kinh tế tại UBS Global Wealth Management, nhận định: “Ở một khía cạnh nào đó, lạm phát cao cũng giúp giải thích tại sao tài sản lại tăng trưởng nhiều hơn so với các quốc gia khác, ít nhất là tính theo đồng nội tệ, vì cần lưu ý rằng tài sản được đo bằng giá trị danh nghĩa”.

Nhà kinh tế nói thêm: “Nếu lạm phát cao, điều thường xảy ra là nếu bạn có tài sản thực như nhà ở, giá nhà sẽ có xu hướng tăng theo lạm phát, nếu không muốn nói là nhanh hơn. Vì vậy, những người sở hữu bất động sản hoặc cổ phần - vốn cũng có xu hướng hoạt động khá tốt trong bối cảnh lạm phát - sẽ thấy tài sản của họ tích lũy nhanh hơn một chút”.

Vượt Mỹ, quốc gia châu Á chứng kiến tài sản tăng mạnh nhất thế giới bất chấp siêu lạm phát - ảnh 2Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu thế giới về tăng trưởng tài sản bất chấp lạm phát cao. Ảnh: CNBC

 

Bên cạnh đó, ông lưu ý rằng không phải tất cả đều được hưởng lợi như nhau, cho rằng nếu không sở hữu những tài sản này hay tiền lương không theo kịp lạm phát thì tài sản của họ sẽ bị ảnh hưởng khá tiêu cực.

Báo cáo cũng nhắc đến “hiệu ứng tỷ giá”, yếu tố ảnh hưởng đến tăng trưởng tài sản nhiều nhất do số liệu tăng trưởng tài sản theo đồng nội tệ thường khác biệt đáng kể so với đồng USD.

“Thổ Nhĩ Kỳ có mức tăng trưởng vượt trội hơn 63% tính bằng đồng USD và gấp đôi lên gần 158% tính bằng đồng lira”, báo cáo cho biết. 

Một ví dụ được đưa ra là Nhật Bản, quốc gia ghi nhận tài sản bình quân đầu người tăng chưa đến 2% tính theo đồng USD trong giai đoạn 2022-23, nhưng tính theo đồng yên thì mức tăng trưởng đó là 9%.

Đánh giá mức tăng trưởng tài sản trung bình của các quốc gia từ năm 2008 đến năm 2023, UBS viết: “Sự phát triển ngoạn mục nhất đã diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi tài sản bình quân đầu người trong giai đoạn này tăng vọt 1.708% tính theo đồng nội tệ”.

Tuy nhiên, nhà kinh tế trưởng Paul Donovan của UBS Global Wealth Management chỉ ra rằng sở hữu nhiều tài sản không đồng nghĩa với việc có nhiều tiền mặt - nhất là tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông bình luận: “Xét về mức sống, điều quan trọng cần nhớ là nếu bạn sở hữu một ngôi nhà, giá trị ngôi nhà của bạn sẽ tăng lên, đồng thời mức lương thực tế của bạn có thể ở mức âm. Vì vậy, bạn có thể giàu tài sản nhưng lại nghèo tiền mặt”.

Nhà kinh tế trưởng cho rằng điều này hoàn toàn có thể xảy ra khi nhiều căng thẳng nảy sinh trong nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ vài năm qua là do thu nhập thực tế âm, chứ không nhất thiết liên quan đến diễn biến trên thị trường tài sản.

Theo UBS, CNBC