Nền kinh tế hàng đầu châu Âu đứng trước nguy cơ suy thoái
(Thị trường tài chính) - Quốc gia này đang chứng kiến doanh thu từ năng lượng giảm sút trong khi mất đi khả năng tiếp cận đồng USD.
Theo nhà kinh tế học Yuriy Gorodnichenko của UC Berkeley, nền kinh tế Nga đang đứng trước nguy cơ rơi vào suy thoái trong vòng một năm tới. Theo ông, nguyên nhân chủ yếu là do Nga đang mất đi hai thứ mà nền kinh tế của nước này rất cần - đó là thương mại năng lượng mạnh mẽ và dòng chảy ổn định của đồng USD.
Nền kinh tế của Moscow phụ thuộc rất nhiều vào petrodollars, hay còn gọi là số tiền bằng đồng USD thu được từ các giao dịch dầu mỏ, Gorodnichenko cho biết. Tuy nhiên, với dòng chảy năng lượng của Nga bị đảo lộn bởi các lệnh trừng phạt, không rõ liệu việc bán hàng cho các quốc gia thân thiện có đủ để hỗ trợ ngân sách chiến tranh khổng lồ của Điện Kremlin hay không — hoặc liệu Nga có đủ khả năng tiếp cận với đồng USD để dễ dàng nhập khẩu tất cả hàng hóa và tài nguyên mà nền kinh tế của họ cần để hoạt động hay không, ông nói.
Gorodnichenko dự đoán điều đó có thể đẩy nền kinh tế Nga vào con đường suy thoái trong 12 tháng tới.
"Nếu họ phải tài trợ cho cuộc chiến và họ không có các nguồn lực này, thì không rõ họ sẽ sẽ huy động số tiền này ở đâu", ông nói thêm. "Tôi dự đoán họ sẽ phải đối mặt với một cuộc suy thoái".
‘Đế chế’ năng lượng bị ảnh hưởng bởi trừng phạt
Hoạt động thương mại năng lượng là nguồn thu lớn nhất của Nga. Tuy nhiên, một phần do các lệnh trừng phạt của phương Tây, kinh doanh dầu khí của Moscow đã bị ảnh hưởng trong năm qua, với doanh thu giảm 24% xuống mức thấp nhất trong ba năm vào năm 2023.
Sự suy giảm đó là một vấn đề tài chính lớn đối với Điện Kremlin. Cuộc chiến chống lại Ukraine đang ngày càng tốn kém hơn, với việc Chính phủ ký một ngân sách quân sự kỷ lục cho năm 2024. Quốc gia này dự kiến sẽ ghi nhận thâm hụt 1,59 nghìn tỷ rúp, khoảng 18 tỷ USD trong năm nay, theo tỷ giá hối đoái hiện tại.
Doanh số bán dầu giảm đồng nghĩa với việc Nga đang mất quyền tiếp cận đồng USD vì các giao dịch dầu thô chủ yếu được thực hiện bằng đồng bạc xanh.
Được biết, Nga đã chuyển sang phi USD hóa thương mại và tạo ra các hệ thống thanh toán thay thế với các đồng minh. Tuy nhiên, Nga vẫn nhập khẩu "gần như mọi thứ", từ ô tô đến thực phẩm, đồ nội thất và các hàng tiêu dùng khác nên đó vẫn là một chặng đường không mấy dễ dàng.
Theo Business Insider