Giá vàng thế giới phá mọi kỷ lục, vượt 2.660 USD
(Thị trường tài chính) - Thứ 3, ngày 24/9, vàng đã tăng hơn 1% và lập kỷ lục mới do căng thẳng Trung Đông cùng số liệu kinh tế Mỹ kém lạc quan.
Cụ thể, kết phiên giao dịch ngày 24/9, hợp đồng vàng giao ngay tăng thêm 1,1% lên 2.656,38 USD/oz. Có thời điểm trong phiên, giá vàng chạm mốc 2.664 USD/oz. Hợp đồng vàng tương lai thêm 1% đạt 2.680 USD/oz.
Vàng đã tăng mạnh 28% - tăng gần 600 USD/oz từ đầu năm 2024 đến nay. Các chuyên gia phân tích dự kiến vàng sẽ tiếp tục lập kỷ lục mới. Kim loại quý này có thể tăng trên 2.700 USD/oz sớm nhất là vào cuối tháng này, nếu căng thẳng ở Trung Đông leo thang hơn nữa và có thêm nhiều dự đoán về việc hạ lãi suất nhiều hơn.
Bên cạnh đó, có nhiều yếu tố kéo thị trường đi lên. Tổ chức nghiên cứu Conference Board (Mỹ) cũng đã công bố chỉ số niềm tin tiêu dùng tháng 9 là 98,7 điểm - thấp hơn tháng 8 và cũng không đạt kỳ vọng của giới phân tích là 103,8 điểm. Việc này cho thấy người tiêu dùng lo ngại về thị trường lao động khi số giờ làm ít đi, lương tăng chậm và tuyển dụng giảm.
Đà tăng của vàng cũng được thúc đẩy bởi việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ, điều này làm giảm chi phí cơ hội cho việc nắm giữ kim loại không đem lại lợi suất, đặc biệt sau khi Fed hạ suất 0,5 điểm phần trăm. Hiện tại, nhà đầu tư cũng gần như chắc chắn Fed sẽ hạ lãi ít nhất 0,25% nữa tại cuộc họp tháng 11.
Lợi suất trái phiếu Mỹ và USD giảm cũng có lợi cho giá vàng. Vàng không trả lãi cố định, nên thường hấp dẫn hơn trong môi trường lãi suất thấp. Dollar Index đã giảm 0,5% về 100,3 điểm - điều này khiến vàng rẻ hơn với người mua bằng các đồng tiền khác.
Trên thị trường vật chất, Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho biết các quỹ ETF vàng đã mua ròng 3 tấn kim loại quý vào tuần trước. Hầu hết các ngân hàng lớn, như JPMorgan hay UBS, cho rằng đà tăng của vàng sẽ kéo dài sang 2025, nhờ lực mua của các quỹ ETF và kỳ vọng về làn sóng hạ lãi suất trên toàn cầu.
Theo Reuters, CNBC