Tiềm năng của thị trường xe “xanh” tại Việt Nam còn rất lớn
(Thị trường tài chính) - “Tiềm năng của thị trường xe “xanh” tại Việt Nam còn rất lớn. Với quy mô dân số khoảng 100 triệu người, đa số là dân số trẻ, Việt Nam có một cơ sở khách hàng tiềm năng dồi dào”, Giám đốc Điều hành BYD Việt Nam - Võ Minh Lực nhận định.
Thị trường xe “xanh” còn nhiều dư địa
Theo Giám đốc Điều hành BYD Việt Nam - Võ Minh Lực, tiềm năng của thị trường xe “xanh” tại Việt Nam còn rất lớn. Với quy mô dân số khoảng 100 triệu người, đa số là dân số trẻ, Việt Nam có một cơ sở khách hàng tiềm năng dồi dào. Thêm vào đó, tỷ lệ sở hữu ô tô ở Việt Nam hiện nay còn rất thấp so với các nước láng giềng như Thái Lan hay Indonesia. Trong khi đó, lượng xe gắn máy đang lưu thông hàng năm rất lớn, ước tính khoảng 3 triệu xe. Hầu hết người đi xe máy đều mong muốn chuyển sang sử dụng ô tô, điều này cho thấy cơ hội phát triển thị trường xe ô tô nói chung và xe “xanh” nói riêng là rất lớn.
Bên cạnh đó, CEO BYD Việt Nam cũng cho rằng, việc tiếp cận các khoản vay mua xe từ ngân hàng hiện nay cũng rất thuận lợi. Chỉ với 200 triệu đồng, người tiêu dùng đã có thể sở hữu một chiếc ô tô với lãi suất vay thấp và thời hạn vay lên tới 8 năm. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng giao thông, đặc biệt là hệ thống đường cao tốc của Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhu cầu sử dụng xe ô tô chỉ với 200 triệu đồng, người tiêu dùng đã có thể sở hữu một chiếc xe, điều này thúc đẩy mạnh mẽ nhu cầu mua sắm ô tô. "Các chính sách khuyến khích và hỗ trợ phát triển xe điện cùng sự tham gia của nhiều hãng xe năng lượng mới đang góp phần xây dựng và phát triển thị trường này. Tôi tin rằng, với các yếu tố thuận lợi về hạ tầng, chính sách và nhu cầu ngày càng tăng, thị trường xe “xanh” tại Việt Nam sẽ phát triển rất nhanh trong thời gian tới".
Chia sẻ về kế hoạch kinh doanh của BYD tại thị trường Việt Nam, CEO BYD Việt Nam cho biết: “Hiện tại chúng tôi mới chính thức ra mắt thương hiệu ở Việt Nam hơn một tháng. Tính đến thời điểm này, BYD đã có 36 đại lý, trong đó 16 đại lý đã đi vào hoạt động, còn 20 đại lý đang trong quá trình xây dựng, dự kiến sẽ hoàn thiện vào tháng 10 hoặc tháng 11 năm nay. Mục tiêu của chúng tôi là mở rộng mạng lưới lên 50 đại lý vào năm 2024, 70 đại lý vào năm 2025, và đạt 100 đại lý vào năm 2026”.
Tập đoàn này cũng đang nỗ lực làm việc với các đối tác để phát triển hệ thống trạm sạc, chia sẻ và cùng định hướng trong việc xây dựng mạng lưới trạm sạc điện trên toàn quốc, nhằm thúc đẩy nhanh chóng việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho xe điện.
Không ít thách thức
Trạm sạc đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong ngành xe điện, ảnh hưởng đến sự phát triển và sự chấp nhận của loại phương tiện này. Tuy nhiên, việc đầu tư trạm sạc hiện nay của các thương hiệu còn đang gặp nhiều thách thức đặc biệt là liên quan đến quỹ đất và các vấn đề pháp lý khác.
Theo ông Võ Minh Lực, hầu hết các thương hiệu đều ưu tiên phục vụ trạm sạc tại các thành phố lớn trước, nhưng quỹ đất tại những khu vực này hiện nay rất hạn chế và việc tìm kiếm đất để đầu tư trạm sạc là vô cùng khó khăn.
Thứ hai là vấn đề ở các khu chung cư, nơi có mật độ dân cư rất đông. Việc lắp đặt trạm sạc tại các chung cư gần như không khả thi vào thời điểm này do nhiều rào cản về không gian và cơ sở hạ tầng.
Ngoài ra, thủ tục và quy trình liên quan đến đầu tư trạm sạc vẫn chưa rõ ràng và còn phức tạp. Hiện nay, các quy định về trạm sạc vẫn chưa được cụ thể hóa, gây khó khăn cho các nhà đầu tư. Ví dụ, các vấn đề về phòng cháy chữa cháy hay kết nối điện thường rất phức tạp, đòi hỏi nhiều công sức và thời gian từ phía nhà đầu tư.
“Trong tương lai, nếu chính quyền địa phương có thể hỗ trợ bằng cách đơn giản hóa các thủ tục, quy trình rõ ràng, từ bước đầu tiên đến các giấy tờ cần thiết, và cung cấp hướng dẫn cụ thể hơn về đầu tư trạm sạc thì quá trình này sẽ diễn ra nhanh hơn rất nhiều. Đặc biệt, nếu có thể giải quyết được các vấn đề về phòng cháy chữa cháy và kết nối điện một cách dễ dàng, tôi tin rằng sẽ có nhiều nhà đầu tư sẵn sàng tham gia và việc phát triển trạm sạc sẽ diễn ra rất nhanh chóng”, đại diện thương hiệu BYD tại Việt Nam kiến nghị.
CEO BYD Việt Nam cũng cho biết, nếu có thêm các chính sách khuyến khích và thu hút đầu tư từ Chính phủ như ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm thuế trong một vài năm hay hỗ trợ quỹ đất thì việc đầu tư trạm sạc sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Tuy nhiên, đối với hệ thống đại lý phân phối của BYD, việc đầu tư trạm sạc là yêu cầu bắt buộc. Mỗi đại lý tối thiểu phải có 2 trạm sạc nhanh, với công suất chủ yếu là 120 kW. Với công suất này, xe có thể sạc đầy trong khoảng 20 phút, đủ để di chuyển từ 400 đến 500 km.
"BYD hiện đang hợp tác với hơn 10 đối tác để phát triển mạng lưới trạm sạc trên toàn quốc, và hệ thống này đang dần mở rộng, bao phủ nhiều khu vực hơn. Ngoài ra, BYD cũng cung cấp và lắp đặt miễn phí máy sạc tại nhà cho khách hàng. Chỉ cần sạc qua đêm, xe có thể di chuyển khoảng 400 km, đủ dùng cho việc đi lại trong nội thành suốt cả tuần với chi phí chỉ khoảng 200.000 đồng”, ông Võ Minh Lực chia sẻ.
BYD - Tập đoàn Trung Quốc nổi tiếng trong lĩnh vực xe điện và năng lượng tái tạo chính thức gia nhập thị trường Việt Nam vào năm 2022. Hãng này cung cấp các mẫu xe điện tiên tiến và xe buýt điện, góp phần thúc đẩy xu hướng phương tiện giao thông xanh tại Việt Nam.
Tính đến thời điểm này, BYD đã có 36 đại lý, trong đó 16 đại lý đã đi vào hoạt động, 20 đại lý đang trong quá trình xây dựng, dự kiến sẽ hoàn thiện vào tháng 10 hoặc tháng 11 năm nay. Cũng trong tháng 10 và tháng 11, BYD dự kiến tiếp tục giới thiệu ba mẫu xe điện mới tại Việt Nam.