Rất nhiều nhà đầu tư bất động sản không xem kỹ hợp đồng khi đặt bút ký
(Thị trường tài chính) - "Rất nhiều nhà đầu tư thường không xem kỹ hợp đồng. Sau khi đặt bút ký những hợp đồng giá trị rất lớn lại xuất hiện tranh chấp và các vấn đề về pháp lý liên quan. Liên quan đến vấn đề pháp lý, trước khi đặt bút ký bất kỳ giấy tờ nào, cũng nên có những tìm hiểu, cân nhắc và xem xét kỹ lưỡng những quyền, nghĩa vụ của chủ đầu tư và nhà đầu tư". Bà Lê Thúy An - Luật sư Công ty Luật TNHH Việt Thăng Long nhấn mạnh.
Cuối năm 2023, Quốc hội khóa 15 đã thông qua Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản mới. Xin luật sư chia sẻ về những thay đổi quan trọng trong lần sửa đổi này?
Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản mới được ban hành đã có sự cấu trúc lại, bổ sung thêm nhiều điều luật, nhiều khái niệm. Từ đó, các tổ chức, cá nhân có thể căn cứ trực tiếp tại các điểu khoản của luật, thay vì phải dẫn chiếu những bộ luật liên quan như trước đây. Điều này giúp cho việc áp dụng luật hay quy chế, quy trình kinh doanh Bất động sản liên quan được minh bạch hơn.
Một số thay đổi trong Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản có thể kể đến như:
Đầu tiên, Luật yêu cầu chủ đầu tư phải công bố thông tin một cách rõ ràng trước khi đưa những Bất động sản hình thành trong tương lai vào kinh doanh.
Thứ hai, Luật quy định rõ hơn về điều kiện đưa Bất động sản vào kinh doanh.
Và thứ ba, nội dung liên quan đến tiến độ thanh toán và mức thanh toán mà chủ đầu tư có thể được thu từ khách hàng. Trước đây, luật cũ quy định đợt thanh toán đầu tiên, chủ đầu tư được phép thu khoảng 30%. Thế nhưng hiện nay, luật quy định rất rõ phần đặt cọc chỉ được tối đa 5% giá bán và mức thu của lần thanh toán đầu tiên là 30% bao gồm cả tiền cọc. Ngoài ra, luật mới cũng giảm tỷ lệ thanh toán khi thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai xuống tối đa còn 50% thay vì 70% như hiện nay.
Theo bà, với những thay đổi như trên, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản mới sẽ bảo vệ người mua nhà từ những khía cạnh nào?
Rõ ràng luật trước nay đã có, nhưng nhiều quy định còn chưa cụ thể, dẫn tới việc chủ đầu tư và khách hàng tự thỏa thuận. Khi đó, thường chủ đầu tư là người nắm quyền chủ động trong tay, nắm hàng hóa và cả pháp lý… Còn khách hàng bỏ tiền để mua bất động sản nhưng họ lại nằm ở thế bị động, rất dễ chịu thiệt.
Việc Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản mới vừa được thông qua sẽ có những khung pháp lý để bảo vệ cho khách hàng.
Luật mới quy định cụ thể hơn về vấn đề làm hợp đồng như thế nào, quy định về quyền nghĩa vụ của chủ đầu tư và khách hàng.
Với những thay đổi của luật mới, bà có lời khuyên nào dành cho người giao dịch trong năm 2024 cũng như năm 2025 sắp tới không ạ?
Thị trường bất động sản ngày càng phát triển, khách hàng sẽ càng ngày càng sáng suốt hơn để lựa chọn sản phẩm đầu tư và sinh lời cho mình.
Tôi cho rằng, trước khi khách hàng quyết định đầu tư vào bất kỳ sản phẩm nào nên có sự tìm hiểu và nắm được thông tin nhất định. Đơn cử như thông tin về sản phẩm họ đầu tư, thông tin về dự án, chủ đầu tư và cả những thông tin liên quan đến thị trường xung quanh…
Muốn biết sản phẩm có đủ điều kiện hay không, liệu có rủi ro gì cho nhà đầu tư, cho khách hàng hay không thì việc minh bạch thông tin là rất quan trọng.
Liên quan đến vấn đề pháp lý, trước khi đặt bút ký bất kỳ giấy tờ nào như hợp đồng hay văn bản thỏa thuận, nhà đầu tư cũng nên có những sự tìm hiểu, cân nhắc và xem xét kỹ lưỡng những quyền, nghĩa vụ của chủ đầu tư và nhà đầu tư được quy định như thế nào. Điều này sẽ bảo vệ khách hàng và phần nào tránh được những rủi ro.
Tôi được biết rằng, rất nhiều nhà đầu tư thường không xem kỹ hợp đồng. Sau khi đặt bút ký những hợp đồng giá trị rất lớn lại xuất hiện tranh chấp và các vấn đề về pháp lý liên quan.
Đến năm 2025, Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật Nhà ở sẽ có hiệu lực, tạo một khung pháp lý tốt để ràng buộc cả chủ đầu tư và thêm những điều kiện để bảo vệ cho nhà đầu tư. Tôi hi vọng rằng quyền lợi của các nhà đầu tư được đảm bảo.
Cảm ơn bà về những chia sẻ rất hữu ích!