HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Kinh tế Đức

“Cỗ máy” tăng trưởng của châu Âu đang khựng lại

Hòa Văn

(Thị trường tài chính) - Các chuyên gia tài chính quốc tế cho rằng Đức - “cỗ máy” tăng trưởng của châu Âu đối diện rủi ro dự báo để lại hệ quả cho toàn bộ Liên minh châu Âu (EU).

Trong nhiều thập kỷ qua, nước Đức luôn là đầu tàu tăng trưởng của châu Âu, kéo cả khu vực vượt qua hết cuộc khủng hoảng này tới cuộc khủng hoảng khác. Tuy nhiên, chỗ dựa vững chắc này đang dần lung lay, tạo nên rủi ro chung cho cả khu vực.

Chính sách năng lượng có nhiều thiếu sót trong hàng thập kỳ, sự suy yếu của ngành công nghiệp ô tô động cơ đốt trong và quá trình chuyển đổi công nghệ chậm chạp là các yếu tố hội tụ đe dọa tới sự tăng trưởng của nước Đức kể từ khi thống nhất.

“Chúng ta đã quá ngây thơ bởi tin rằng mọi chuyện vẫn ổn. Những vấn đề tại Đức đã tích tụ trong thời gian dài và có rất nhiều thay đổi ở phía trước. Tôi không biết liệu mọi người đã nhận ra điều này hay chưa”, CEO BASF SE Martin Brudermüller cho biết.

Các nhà kinh tế đánh giá, tăng trưởng kinh tế Đức sẽ ở mức thấp nhất trong khối EU trong nhiều năm tới. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, nước Đức sẽ tăng trưởng thấp nhất nhóm G7 năm 2023.

Chuyển dịch năng lượng

Vấn đề gây áp lực bậc nhất với nước Đức hiện tại là việc chuyển dịch năng lượng đúng hướng. Chi phí năng lượng hợp lý là chìa khóa cho sức cạnh tranh của các ngành công nghiệp. Trước đó, Đức nhập khẩu phần lớn năng lượng từ Nga, nhưng hiện tại, nguồn cung này gặp nhiều vấn đề, thể hiện sự phụ thuộc của Đức vào năng lượng Nga. Đức đang là quốc gia có giá điện cao nhất tại châu Âu.

Đối diện với thách thức này, chính quyền Berlin tìm tới các giải pháp năng lượng khác cho ngành công nghiệp với dự án chi phí lên tới 32 tỷ USD cho tới năm 2030. Tuy nhiên, đây vẫn là giải pháp tạm thời, cho thấy tình thế “tuyệt vọng” của Đức trước vấn đề nguồn cung.

“Cỗ máy” tăng trưởng của châu Âu đang khựng lại - ảnh 1
Tỷ lệ thất nghiệp ở Đức tăng kỷ lục. Ảnh AP

Năm 2023, sau khi đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân vào mùa xuân, Đức xây dựng các nhà máy điện gió và điện mặt trời với công suất khoảng 10 gigawatts. Tốc độ này chỉ bằng một nửa yêu cầu cần thiết để đạt được mục tiêu năng lượng và khí hậu mà Đức đặt ra. 

Cụ thể, Đức đạt mục tiêu lắp đặt khoảng 625 triệu pin năng lượng mặt trời và 19.000 tua bin quạt gió cho tới năm 2030. Đáng chú ý, một “nỗi đau” đối với việc chuyển dịch năng lượng tái tạo của Đức là việc quốc gia này có đường bờ biển ngắn, các khu vực biển nhỏ và thiếu ánh mặt trời. 

Trong quãng thời gian chuyển dịch năng lượng này, Đức vẫn cần cung cấp đủ điện cho mọi hoạt động, từ sưởi ấm, vận tải cho tới sản xuất thép và các ngành công nghiệp nặng khác. Tất nhiên, chính phủ Đức tìm mọi cách thu thập năng lượng, bao gồm nhập khẩu hydrogen - loại nhiên liệu sạch được xem là lý tưởng cho tương lai từ các quốc gia như Australia, Canada, Ả Rập Xê út - dù quy mô sản xuất và công nghệ ứng dụng chưa từng được thử nghiệm ở mức độ lớn như vậy.

Thiếu động lực sáng tạo

Chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D) của Đức lớn thứ tư trên thế giới, chỉ sau Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản. Khoảng 1/3 các bằng sáng chế tại châu Âu thuộc về nước Đức, theo số liệu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (World Patent Office).

Đa phần các bằng sáng chế này thuộc về các công ty lớn như Siemens, Volkswagen và tập trung tại các ngành công nghiệp lâu đời. Số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp giảm sút tại Đức, trái ngược với xu thế tăng trưởng tại các nền kinh tế phát triển khác, theo OECD. Vấn đề nằm tại các thủ tục thành lập doanh nghiệp phức tạp và văn hóa hạn chế rủi ro.

Tài chính cũng là một vấn đề đáng bàn. Đầu tư khởi nghiệp, đầu tư mạo hiển tại Đức đạt giá trị 11,7 tỷ USD năm 2022, so với con số 234,5 tỷ USD tại Mỹ, theo số liệu của DealRoom.

Chưa kể, lực lượng lao động tại Đức chậm có sự cập nhật kiến thức, kỹ năng mới và không có trường đại học nào của Đức nằm trong Top 25 trường toàn cầu, theo danh sách xếp hạng của Times Higher Education.

“Cỗ máy” tăng trưởng của châu Âu đang khựng lại - ảnh 2

BYD Co vượt qua Volkswagen trở thành thương hiệu xe ô tô bán chạy nhất tại Trung Quốc.

Các số liệu cho thấy giai đoạn nước Đức đi đầu về các sáng chế trên toàn cầu đã phai nhạt. Năm 2000, Đức nằm trong Top 3 các quốc gia có sáng chế toàn cầu tại 43 trong 58 lĩnh vực công nghệ chủ chốt. Nhưng tới năm 2019, con số này chỉ còn chưa tới một nửa, theo nghiên cứu gần đây của Bertelsmann Stiftung.

Một minh chứng rõ ràng nhất cho sự tụt hậu của ngành công nghiệp Đức chính là lĩnh vực ô tô. Trong khi các thương hiệu như Porsche và BMW của Đức đã gây dựng được danh tiếng toàn cầu, thì xe ô tô điện của Đức vẫn đang vật lộn. Quý I/2023, BYD Co (Trung Quốc) đã vượt qua Volkswagen trở thành thương hiệu xe ô tô bán chạy nhất tại Trung Quốc, mà động lực chính tới từ các dòng xe điện mới với giá chỉ khoảng 1/3 so với Volkswagen.