Kinh tế Mỹ có trụ vững trước nguy cơ chính phủ vỡ nợ?
(Thị trường tài chính) - Nước Mỹ đang phải đối diện với một trong những cuộc khủng hoảng nợ công lớn nhất trong lịch sử, đòi hỏi phải có những giải pháp hiệu quả nếu không muốn chính phủ rơi vào tình trạng vỡ nợ.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), vỡ nợ xảy ra khi chính phủ không có khả năng hoặc không muốn thực hiện một số hay toàn bộ nghĩa vụ nợ với bên cho vay.
Với trường hợp của nước Mỹ, việc không có đủ tiền để thanh toán các khoản nợ sẽ buộc chính phủ nước này phải tính đến các giải pháp khẩn cấp để giải quyết tình tình trước khi tình huống xấu nhất ập đến. Và một trong những giải pháp đang được hai Đảng đối lập của xử sở cờ hoa tranh luận gần đây là tăng trần nợ.
Vậy trần nợ là gì?
Mỹ cần vay tiền để thanh toán các khoản chi tiêu của chính phủ và giới hạn vay là mức trần cứng (còn gọi là trần nợ), tức là giới hạn số tiền mà chính phủ liên bang có thể vay bất cứ lúc nào.
Trong phần lớn lịch sử, nước Mỹ thường chi rất nhiều cho các hoạt động liên quan đến giáo dục, y tế, quốc phòng, quân sự. Điều này buộc họ phải vay một khoản tiền lớn để thanh toán và tổng của tất cả các khoản vay chưa trả đó là nợ quốc gia. Hiện, nợ công của Mỹ đã lên đến hơn 31 nghìn tỷ USD.
Tại sao lại xuất hiện trần nợ?
Hơn một thế kỷ trước, Quốc hội Mỹ đã tạo ra hệ thống này để cho phép chính phủ vay nhiều hơn trong thời chiến. Vào năm 1917, các nhà lập pháp đã thông qua trần nợ đầu tiên cho phép Tổng thống Woodrow Wilson chi số tiền cần thiết trang trải cho các chi phí của Mỹ khi tham chiến trong Thế chiến thứ nhất, mà không cần phải chờ đợi các nhà lập pháp. Tại thời điểm đó, Quốc hội đã đặt trần nợ là 11,5 tỷ USD và mọi yêu cầu tăng đều phải có sự cho phép của cơ quan này. Theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội, kể từ Thế chiến II, trần nợ đã được sửa đổi hơn 100 lần. Trong đó, thay đổi mới nhất diễn ra vào năm 2021, khi trần nợ được nâng lên 31,38 nghìn tỷ USD.
Nợ nước Mỹ chạm trần vào thời điểm nào?
Hiện tại thời gian chính xác của việc này vẫn chưa thể xác định được. Như đã biết, Mỹ đã tăng trần nợ vào tháng Giêng năm nay. Kể từ đó, Bộ Tài chính đã sử dụng các thuật ngữ kế toán như “Các biện pháp đặc biệt” để giữ cho chính phủ liên bang không bị vỡ nợ. Tuy nhiên, mọi thứ đang dần tồi tệ hơn.
Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, một vụ vỡ nợ có thể xảy ra sớm nhất là vào ngày 1/6/2023 nếu Quốc hội và Tổng thống không hành động. Trung tâm chính sách lưỡng đảng đã dự báo viễn cảnh này có thể xảy ra từ khoảng 2-13/6.
Vậy điều gì sẽ xảy đến với nước Mỹ nếu vỡ nợ?
Điều này phụ thuộc vào thời gian vỡ nợ kéo dài bao lâu và quy mô của khoản nợ, tuy nhiên, nếu tình hình này không được sớm giải quyết, tác động lan tỏa kinh tế có thể sẽ mở rộng ở phạm vi quốc gia và toàn cầu.
Tuy nhiên cũng cần phải biết rằng, mặc dù đã có những thời điểm trong lịch sử Mỹ không trả được nợ, nhưng quốc gia này vẫn luôn đứng vững trước mọi biến cố.
Theo Báo Kinh tế & Đô thị
https://kinhtedothi.vn/kinh-te-my-co-tru-vung-truoc-nguy-co-chinh-phu-vo-no.html