Xuất hiện một loạt báo động đỏ, chứng khoán Trung Quốc lao dốc hơn 7%
(Thị trường tài chính) - Việc thiếu vắng những biện pháp kích thích lớn đã khiến đà tăng của cổ phiếu bị hạ nhiệt nhanh chóng.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã chứng kiến mức giảm lớn nhất kể từ năm 2020 trong bối cảnh các nhà giao dịch trở nên hoài nghi về kế hoạch kích thích của Bắc Kinh và dữ liệu chi tiêu yếu kém trong kỳ nghỉ lễ làm ảnh hưởng đến tâm lý thị trường.
Chỉ số CSI 300 giảm tới 7,1% - xóa sạch đà tăng từ phiên giao dịch hôm 8/10 và đánh dấu mức giảm đầu tiên trong 11 phiên vừa qua.
Dù cổ phiếu đã phục hồi trong những tuần gần đây sau một loạt thông báo chính sách hỗ trợ nền kinh tế, sự nhiệt tình về đợt tăng giá do kích thích đang nguội dần. Nguyên nhân là do không có bất kỳ sáng kiến lớn nào được đưa ra tại cuộc họp chính sách quan trọng hôm 8/10.
Ngày càng có nhiều chiến lược gia và nhà quản lý quỹ cho rằng Bắc Kinh cần phải hỗ trợ các cam kết chi tiêu của mình bằng cách “bỏ tiền thật”, trong khi những người khác cảnh báo rằng đợt tăng giá đã đi quá xa và quá nhanh sau khi nhiều chỉ số chuẩn tăng hơn 30% chỉ trong vài ngày.
Yi Wang, trưởng bộ phận đầu tư định lượng tại CSOP Asset Management, bình luận: "Thị trường đang giằng co giữa kỳ vọng về những biện pháp kích thích hơn và thực tế kinh tế. Nhà đầu tư muốn thấy gói kích thích nhanh chóng chuyển thành lợi nhuận doanh nghiệp cải thiện, dữ liệu vĩ mô tốt hơn - cho dù đó là lạm phát, việc làm hay nợ công địa phương. Nhưng có một khoảng cách thời gian giữa kỳ vọng đó và thực tế kinh tế".
Lo ngại của thị trường
Mức giảm 7,1% của chỉ số CSI 300 hôm 9/10 là mức giảm lớn nhất trong một ngày kể từ tháng 2/2020. Chỉ số Hang Seng China Enterprises, theo dõi các cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại Hồng Kông, cũng giảm 2,3% - xóa sạch mọi đà tăng đạt được trong thời gian thị trường nội địa đóng cửa.
Do đó, nhà đầu tư bắt đầu lo ngại rằng sự phục hồi nhanh chóng của cổ phiếu Trung Quốc kể từ cuối tháng 9 có thể chỉ là “bình minh ảo” trừ khi Bắc Kinh công bố một gói tài chính mạnh mẽ có thể phục hồi tiêu dùng và hỗ trợ lĩnh vực bất động sản.
Homin Lee, chiến lược gia vĩ mô cấp cao tại Lombard Odier ở Singapore, nhận xét: “Có vẻ như các nhà chức trách, thông qua cuộc họp báo của NDRC (Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia) mới đây, đang bày tỏ một mức độ không thoải mái với sự phấn khích của thị trường. Một phần là bởi kinh nghiệm của họ với tình trạng hỗn loạn thị trường do nhà đầu tư bán lẻ gây ra vào năm 2015”.
Bên cạnh đó, chiến lược gia cho rằng các cơ quan chức năng vẫn cần đưa ra một kế hoạch cụ thể để ngăn chặn lạm phát tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc vào cuối tháng này.
Chi tiêu trong kỳ nghỉ lễ
Trái phiếu Chính phủ Trung Quốc tăng giá khi các nhà đầu tư chuyển sang tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh thị trường chứng khoán sụt giảm, theo Reuters.
Các dữ liệu về chi tiêu trong kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng cho thấy tâm lý người tiêu dùng vẫn ảm đạm bất chấp một số dấu hiệu ổn định sau hàng loạt biện pháp kích thích.
Du khách Trung Quốc cũng chi tiêu ít hơn trong kỳ nghỉ so với thời điểm trước đại dịch. Dữ liệu do Bộ Văn hóa và Du lịch công bố chỉ ra rằng, mặc dù số lượng chuyến đi du lịch tăng 10,2% so với năm 2019 nhưng chi tiêu chỉ tăng 7,9%.
Trong khi đó, sự gia tăng đòn bẩy cũng là một điểm đáng lo ngại khác. Theo dữ liệu được tổng hợp, số dư nợ ký quỹ tại các sàn giao dịch Thượng Hải và Thâm Quyến đã nhảy vọt lên 1,54 nghìn tỷ NDT (218 tỷ USD) vào ngày 8/10 - tăng 7,4% so với phiên giao dịch cuối tháng 9.
Nhiều nhà đầu tư dường như đang sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao hơn, một dấu hiệu có thể dẫn đến bất ổn trong tương lai.
Nicholas Yeo, trưởng bộ phận cổ phiếu Trung Quốc tại công ty đầu tư toàn cầu Abrdn, cho hay: “Trung Quốc đang trong vùng tăng giá nhưng sẽ có biến động. Chúng tôi vẫn duy trì quan điểm rằng các lĩnh vực như tiêu dùng sẽ là chìa khóa cho nền kinh tế trong dài hạn”.
Theo Reuters, Nikkei Asia