Trung Quốc bất ngờ tung biện pháp cứng rắn để giải quyết khủng hoảng thừa trong ngành thép
(Thị trường tài chính) - Nhằm hạn chế tình trạng dư thừa công suất ngành thép, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vừa đưa ra một biện pháp bất ngờ.
Trung Quốc, nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới, sẽ tạm dừng chương trình thay thế công suất thép từ ngày 23/8 để tiến hành điều chỉnh cho phù hợp, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin nước này cho biết.
Theo chương trình hoán đổi, các nhà máy sẽ phải loại bỏ ít nhất là một lượng tương đương với sản lượng cũ nếu muốn bổ sung sản lượng mới. Mục đích là để giảm thiểu tình trạng dư thừa công suất, kiểm soát sản lượng của toàn ngành trong dài hạn.
Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin nước này cho biết sẽ làm việc với các bên liên quan để nghiên cứu, sửa đổi các biện pháp hoán đổi hiện tại và ban hành chương trình mới sau khi lấy ý kiến công chúng, nhưng không đưa ra mốc thời gian cụ thể.
Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố rằng việc tạm dừng hoán đổi công suất là cần thiết vì ngành thép đang phải đối mặt với “những thách thức mới”.
Ngành thép khổng lồ của Trung Quốc đang phải chịu ảnh hưởng bởi tình trạng dư thừa công suất vào thời điểm nhu cầu giảm một phần do cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài.
Điều này diễn ra mặc dù nguồn cung thép đã suy giảm kể từ năm 2021, khi nước này bắt đầu hạn chế sản lượng thép thô để hạn chế lượng khí thải carbon.
Các nhà phân tích tại Horizon Insights cho biết trong một lưu ý: “Việc tạm dừng (chương trình thay thế công suất thép từ ngày 23/8) này sẽ hạn chế việc mở rộng công suất sản xuất thép trong trung và dài hạn. Trong ngắn hạn, công suất đang được xây dựng có thể sẽ không bị ảnh hưởng nhiều".
Theo các nhà phân tích tại First Futures, việc Trung Quốc dừng sản xuất tràn lan kể trên sẽ không có nhiều tác động trong ngắn hạn đến thị trường thép nhưng dự kiến sẽ đẩy nhanh quá trình loại bỏ công suất "xác sống" tại thời điểm suy thoái công nghiệp, đồng thời cho biết thêm rằng các tiêu chuẩn sửa đổi có thể sẽ nghiêm ngặt hơn.
Tuy nhiên, các nhà phân tích tại Citi - ngân hàng đầu tư đa quốc gia và công ty dịch vụ tài chính nổi tiếng của Mỹ tin rằng động thái này sẽ không đủ để loại bỏ hoàn toàn công suất dư thừa, vì nhu cầu thực tế đang suy yếu đòi hỏi các biện pháp quyết liệt hơn cùng với sự thực thi mạnh mẽ của Chính phủ đất nước đông dân thứ nhì thế giới.
Theo Reuters