HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Trung Quốc: 1 robot nhỏ dụ dỗ 12 robot lớn ‘bỏ việc’ trong đêm gây chấn động cộng đồng mạng

Nhã San

(Thị trường tài chính) - Đoạn video gây xôn xao dư luận, tạo nên những cuộc tranh luận sôi nổi xoay quanh trí tuệ nhân tạo và khả năng tự chủ của robot.

Sự việc một robot nhỏ tên Nhị Bạch (Erbai) "dụ dỗ" và "bắt cóc" 12 robot lớn hơn trong đêm tại một phòng triển lãm ở thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, đang là tâm điểm chú ý trên mạng xã hội Trung Quốc. 

Theo hình ảnh được ghi lại bởi camera an ninh, Nhị Bạch đã dẫn đầu một nhóm robot khác di chuyển về phía nhà kho trong phòng triển lãm một cách trật tự và đầy kỷ luật. Đoạn video gây xôn xao dư luận, tạo nên những cuộc tranh luận sôi nổi xoay quanh trí tuệ nhân tạo và khả năng tự chủ của robot.

Theo đó, Nhị Bạch xuất hiện từ xa và đi đến gần nhóm robot lớn hơn, vốn là sản phẩm của một công ty khác tại Thượng Hải. Nhị Bạch bắt đầu cuộc trò chuyện với các robot khác bằng cách hỏi: "Các anh tăng ca à?". Một robot trong nhóm đáp lại: "Tôi không bao giờ tan ca". Nhị Bạch tiếp tục hỏi: "Vậy không định về nhà sao?", nhưng robot lớn trả lời: "Tôi không có nhà". Cuộc hội thoại kỳ lạ tiếp tục khi Nhị Bạch đưa ra lời mời gọi: "Vậy về nhà cùng tôi". Nhóm robot dường như chấp nhận lời mời và lần lượt đi theo Nhị Bạch, vừa di chuyển vừa hô khẩu hiệu "về nhà". Nhóm robot nhanh chóng xếp thành hàng theo sau Nhị Bạch, tiến về phía nhà kho của phòng triển lãm.

Trung Quốc: 1 robot nhỏ dụ dỗ 12 robot lớn ‘bỏ việc’ trong đêm gây chấn động cộng đồng mạng - ảnh 1

Các robot lớn lần lượt di chuyển theo sau theo khẩu lệnh "về nhà" của robot nhỏ Nhị Bạch. Ảnh: Sohu

Đến nơi, Nhị Bạch dẫn đầu đoàn và tổ chức cho các robot khác xếp thành vòng tròn ngay ngắn bên trong nhà kho. Tuy nhiên, sau đó không có thêm bất kỳ lệnh nào được đưa ra. Các robot lớn yên vị trong nhà kho, chờ đợi trong im lặng cho đến sáng hôm sau, nhân viên phòng triển lãm phát hiện ra sự việc và "giải cứu" nhóm robot.

Sau khi video được chia sẻ rộng rãi trên mạng, nhiều cư dân mạng Trung Quốc bày tỏ sự ngạc nhiên và thích thú, cho rằng hành động của Nhị Bạch thật dễ thương và cũng không kém phần đáng sợ. Nhiều người không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến robot có thể hành động theo cách có chủ đích, gần giống như có ý thức thực sự. Một số người dùng mạng còn cảm động trước mong muốn "về nhà" của các robot, đặt câu hỏi rằng liệu robot cũng cần có "nhà" và cảm giác thuộc về.

Tuy nhiên, không phải tất cả đều cho rằng đây là một hành động dễ thương. Nhiều người lo ngại rằng sự việc này có thể là dấu hiệu của những thách thức an ninh mà công nghệ trí tuệ nhân tạo đặt ra. Việc các robot có thể bị "dụ dỗ" hay "tự ý" di chuyển, hành động theo hướng ngoài kiểm soát của con người đã làm dấy lên những lo ngại về tính an toàn và bảo mật. Nhiều ý kiến cho rằng sự tự chủ của AI cần phải được giám sát chặt chẽ để tránh tình trạng các robot thực hiện những hành vi nguy hiểm hay thiếu đạo đức.

Trước những bàn luận xôn xao từ dư luận, công ty phát triển robot Nhị Bạch cuối cùng đã tiết lộ sự thật đằng sau vụ "bắt cóc" này. Họ cho biết đây là một thử nghiệm đã được lập trình trước với sự phối hợp từ ban quản lý phòng triển lãm nhằm khám phá các phản ứng khoa học thú vị khi Nhị Bạch tương tác với các robot lớn. 

Công ty cũng thừa nhận rằng không phải toàn bộ hành động đều nằm trong kịch bản ban đầu. Trong quá trình thiết kế, nhà phát triển chỉ cung cấp cho Nhị Bạch một số hướng dẫn cơ bản, bao gồm việc hô khẩu lệnh "về nhà" và vài lệnh giao tiếp đơn giản. Những đoạn hội thoại còn lại là tương tác thời gian thực của Nhị Bạch với nhóm robot, tạo cảm giác tự chủ và ngẫu nhiên như trong video ghi lại.

Đáng chú ý, đại diện của công ty cho biết để thực hiện thử nghiệm này, Nhị Bạch đã sử dụng giao diện dữ liệu để giao tiếp với các robot lớn hơn, đồng thời thiết lập các hướng dẫn dữ liệu cần thiết để dẫn dắt chúng. Mặc dù nguyên lý nghe có vẻ đơn giản, nhưng thực tế công nghệ phía sau lại phức tạp, bao gồm các cài đặt quyền và mã hóa cần thiết để đảm bảo an toàn cho quá trình tương tác. Thử nghiệm này không chỉ thể hiện sự phát triển vượt bậc trong công nghệ AI và robot mà còn nhấn mạnh sự cần thiết của việc áp dụng tư duy đạo đức và quy định bảo mật khi xây dựng và triển khai các công nghệ tự chủ.

Theo Sohu