Chuyên gia: Ông Trump có thể khiến chi phí sản xuất ô tô ở Mỹ tăng thêm 4.000 USD mỗi chiếc
(Thị trường tài chính) - Không chỉ làm chậm bước tiến của ngành năng lượng tái tạo và công nghệ cao, chính sách thuế quan và nhập cư mới khiến nước Mỹ có nguy cơ tụt lại trong cuộc đua với các đối thủ châu Âu và châu Á.
Theo phân tích mới nhất từ Nikkei Asia, việc áp dụng chính sách "Nước Mỹ trên hết" của ông Donald Trump nếu tái đắc cử có thể tác động mạnh đến ngành công nghiệp ô tô Mỹ, đồng thời làm chậm tiến độ phát triển năng lượng tái tạo và công nghệ.
AlixPartners - công ty tư vấn hàng đầu Mỹ - ước tính chi phí sản xuất mỗi chiếc ô tô có thể tăng thêm 4.000 USD nếu áp thuế cao với linh kiện nhập khẩu. Với sản lượng 10 triệu xe/năm, tổng chi phí gia tăng lên tới 40 tỷ USD.
Kế hoạch áp thuế 10-20% với hàng nhập khẩu của ông Trump được dự báo sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến thị trường ô tô Mỹ - thị trường lớn thứ hai thế giới với doanh số 15 triệu xe/năm. Phần lớn xe và linh kiện nhập khẩu từ Mexico, Canada và Nhật Bản sẽ chịu mức giá cao hơn đáng kể.
Mexico hiện chiếm 41% lượng phụ tùng ô tô nhập khẩu vào Mỹ trong 6 tháng đầu năm. Toyota Motor vừa công bố kế hoạch đầu tư 1,45 tỷ USD vào Mexico để sản xuất xe bán tải Tacoma thế hệ mới, tuy nhiên tương lai dự án này đang bị đặt dấu hỏi lớn.
Tax Foundation dự báo thuế quan mới có thể mang về cho Mỹ 3,8 nghìn tỷ USD trong dài hạn. Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại doanh nghiệp sẽ chuyển gánh nặng chi phí sang người tiêu dùng thông qua việc tăng giá.
Bên cạnh đó, chính sách năng lượng của ông Trump - tập trung vào nhiên liệu hóa thạch và rút khỏi Hiệp định Paris - đi ngược xu hướng toàn cầu. Điều này có thể khiến các khoản đầu tư 265 tỷ USD vào công nghệ xanh dưới thời Biden bị thu hồi, đặc biệt là các dự án điện gió ngoài khơi.
Theo Ngân hàng Mizuho, động thái này không chỉ ảnh hưởng đến ngành ô tô mà còn tác động mạnh đến các ngành công nghiệp khác như thép, máy móc và năng lượng tái tạo của Mỹ.
Đáng chú ý, Tổng thống Mỹ có thể áp dụng các mức thuế mới mà không cần thông qua Quốc hội nước này, thông qua việc viện dẫn Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế.
Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế của Mỹ (International Emergency Economic Powers Act - IEEPA) là một đạo luật quan trọng được ban hành vào năm 1977. Đạo luật này trao cho Tổng thống Mỹ quyền hạn rộng rãi trong việc xử lý các tình huống khẩn cấp quốc tế có liên quan đến các mối đe dọa kinh tế.
IEEPA cho phép Tổng thống áp dụng các biện pháp cấm vận, đóng băng tài sản, và ngăn chặn các giao dịch tài chính để đối phó với các mối đe dọa từ nước ngoài đối với an ninh, chính sách đối ngoại hoặc nền kinh tế Mỹ.
Tác động từ chính sách nhập cư cứng rắn
Theo các chuyên gia, các động thái siết chặt về nhập cư của ông Trump không chỉ nhắm đến người nhập cư bất hợp pháp mà còn có thể ảnh hưởng đến nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI).
Số liệu cho thấy trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, tỷ lệ từ chối thị thực lao động H-1B đã tăng mạnh, đạt đỉnh gần 25% vào năm 2018. Con số này đã giảm xuống dưới 5% dưới thời chính quyền Biden vào năm 2023
"Tôi không biết liệu mình có thể có được thị thực ngay từ đầu không", một nhân viên Google đang xin thẻ xanh chia sẻ. Đây là mối lo chung của nhiều lao động kỹ thuật cao, đặc biệt là các chuyên gia đến từ Ấn Độ - những người đang đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển công nghệ AI tại Mỹ.
Mặc dù việc cắt giảm thuế và nới lỏng quy định có thể giúp doanh nghiệp giảm chi phí hoạt động, các chuyên gia cho rằng chính sách thương mại hướng nội sẽ triệt tiêu những lợi ích này. Dự kiến chính quyền Trump mới sẽ có những biện pháp quyết liệt hơn để "giành lại việc làm và các ngành công nghiệp" theo đúng tinh thần "Nước Mỹ trên hết".
Theo giới phân tích, mặc dù các chính sách của ông Trump nhấn mạnh lợi ích thực tế, nội dung cụ thể có thể thay đổi tùy thuộc vào đàm phán ngoại giao. Trước tình hình khó lường này, các doanh nghiệp trong và ngoài Mỹ đang phải chuẩn bị nhiều kịch bản ứng phó khác nhau.
Theo Nikkei Asia, FT